Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời Giám đốc pháp lý của tập đoàn Huawei, Tống Liễu Bình, nêu rõ: "Dự luật hoàn toàn khẳng định rằng Huawei sai phạm và áp đặt rất nhiều hạn chế với Huawei".
Dự kiến Huawei sẽ nộp kiến nghị tóm lược phân xử này trong ngày 29/5. Ông bày tỏ hy vọng các tòa án Mỹ sẽ coi lệnh cấm đối với Huawei là vi hiến và ra phán quyết cấm thực thi.
Trước đó, tháng 3 vừa qua, Huawei cũng đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang tại Plano, bang Texas, liên quan một đạo luật trong đó Washington cấm các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng thiết bị của tập đoàn này, khẳng định lệnh cấm này là vi hiến. Ngoài ra, Huawei còn cáo buộc Chính phủ Mỹ "xâm nhập các máy chủ", "đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn" của tập đoàn này.
Động thái trên của Huawei diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang leo thang, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ".
Bộ Thương mại Mỹ cũng đã bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và 68 thực thể vào "danh sách đen xuất khẩu" nhằm cấm tập đoàn này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm trên cho tới giữa tháng 8 tới, động thái được cho nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của Huawei trên thế giới.
Các chuyên gia đánh giá động thái trên sẽ gây khó khăn cho Huawei, vốn được xem là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất và là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn bán linh kiện quan trọng cho Huawei cũng có thể phá vỡ các hoạt động kinh doanh của các "đại gia" chip của Mỹ như Micron Technology Inc. và làm trì hoãn việc triển khai các mạng không dây 5G trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc. Điều này có thể làm tổn hại các công ty Mỹ vốn đang ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.