Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump cấm công ty Mỹ làm ăn với những công ty nước ngoài có thể gây rủi ro an ninh quốc gia đã khiến Google, Intel, Qualcomm mà một số nhà cung cấp khác đã hoặc đang cân nhắc ngừng làm ăn với Huawei.
Theo tờ The Verge, Huawei đã tích trữ đủ các lĩnh kiện Mỹ để có thể tồn tại từ 3 tháng tới 1 năm nhằm có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, tại một thời điểm nào đó, kho linh kiện sẽ hết và Huawei sẽ đối mặt với lựa chọn khó khăn: hoặc là tìm cách sản xuất điện thoại không cần công nghệ Mỹ hoặc là rút hoàn toàn khỏi ngành kinh doanh điện thoại thông minh.
Huawei thiết kế bộ xử lý cho điện thoại dùng hệ điều hành Android của mình nhưng vẫn phụ thuộc nặng nề vào linh kiện nước ngoài. Trong mẫu điện thoại mới nhất là P30 Pro, danh sách phụ kiện gồm kính Corning cho mặt trước và mặt sau, bộ nhớ flash từ Micron, linh kiện mạng cho phép điện thoại kết nối 3G và mạng lưới LTE…
Điều quan trọng là điện thoại Android không thể thiếu phần mềm của Google. Huawei cho biết đã tự phát triển phần mềm thay thế Android và Windows nhưng nếu Mỹ duy trì quyết định cấm, Huawei sẽ buộc phải tìm rất nhiều thứ để thay thế cùng lúc.
Đây là tình huống khó khăn bất thường trong một ngành đã phát triển dựa trên giao thương quốc tế. Tuy nhiên, không phải là chưa từng có tiền lệ.
Công ty điện thoại Trung Quốc ZTE đã từng bị Mỹ cấm trong một thời gian ngắn năm 2018, khiến công ty không thể nhập khẩu sản phẩm từ công ty Mỹ như Google, Qualcomm và Dolby.
Để đối phó với việc không được mua chip Snapdragon từ Qualcomm, ZTE đã thỏa thuận với MediaTek, một công ty ở Đài Loan (Trung Quốc). Sau vài tháng, Tổng thống Trump đã chấm dứt lệnh cấm và cho biết sẽ có quá nhiều việc làm bị mất nếu tiếp tục giữ lệnh cấm.
Vậy mọi chuyện với Huawei sẽ ra sao? Điều đó phụ thuộc vào thiết bị và nơi bán thiết bị.
Với chiếc P30 Pro, Huawei sẽ cần phải thay thế những linh kiện như sau:
Kính của Corning
Corning, nhà sản xuất kính Gorilla, chuyên cung cấp kính cho điện thoại P30 Pro của Huawei.
Corning là nhà cung cấp kính cho một số điện thoại gần đây của Huawei. Corning có trụ sở tại Mỹ. Vì thế khi tuyên bố cắt đứt quan hệ làm ăn với Huawei, Corning đã buộc Huawei phải tìm một nhà cung cấp khác. Đó có thể là AGC Asahi Glass, một đối thủ Nhật Bản của Corning chuyên sản xuất kính Dragontrail.
Google cũng dùng kính Dragontrail thay vì kính Gorilla cho mẫu điện thoại Pixel 3A để giảm chi phí. Mặc dù AGC Asahi Glass không có nhận diện thương hiệu như Corning nhưng nếu Huawei đột ngột thỏa thuận kinh doanh, công ty này có thể trở thành một đối thủ mạnh hơn nhiều.
Bộ nhớ flash của Micron
Chip bộ nhớ trong chiếc P30 Pro do Micron cung cấp. Đây là một nhà cung cấp ở Boise, Idaho. Micron đã ngừng giao hàng cho Huawei sau sắc lệnh của Tổng thống Trump.
Các nhà cung cấp khác như Toshiba và Samsung có thể trở thành đối tác của Huawei mặc dù công ty HiSilicon của Huawei có thể đang triển khai phát triển bộ nhớ riêng.
Huawei quan tâm tới việc sản xuất bộ nhớ, không chỉ là bộ nhớ trong mà còn là thẻ nhớ Nano độc quyền. Thẻ có kích thước tương tự thẻ SIM Nano. Công nghệ này có thể là dấu hiệu cho thấy Huawei bắt đầu đi trên con đường tự sản xuất bộ nhớ.
Module cho 3G
Skyworks và Qorvo đều là công ty Mỹ chuyên cung cấp module ngoại vi (hoạt động như thẻ mạng) cho điện thoại P30 Pro. Các module này giúp điện thoại có khả năng hoạt động với mạng 3G và băng tần LTE trên toàn thế giới.
Samsung cũng sử dụng sản phẩm của Skyworks và Qorvo. Vì thế, module ngoại vi của hai công ty này dường như là một lựa chọn phổ biến.
Việc Huawei phụ thuộc vào các công ty Mỹ để sản xuất thiết bị tương thích với Mỹ không phải là điều quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, Huawei có thể cần phát triển module ngoại vi riêng nếu muốn duy trì tính tương thích với một số nhà mạng.
Hệ điều hành Android
Google đã rút giấy phép sử dụng Android của Huawei, chỉ cho phép sử dụng Dự án Nguồn mở Android (AOSP). Quyết định này sẽ khiến người dùng Huawei không thể tiếp cận các ứng dụng và dịch vụ của Google, có nghĩa là thiết bị Huawei sẽ tụt hậu về các ứng dụng an ninh.
Trên Twitter, Google cho biết người dùng các thiết bị Huawei hiện nay sẽ không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này. Tuy nhiên, với những thiết bị sắp ra mắt, trong đó có chiếc điện thoại gập đôi Mate X, mọi thứ sẽ khác.
Những thứ Huawei chưa cần thay đổi
May mắn cho Huawei là với chiếc điện thoại như P30 Pro, phần lớn những điểm hấp dẫn của điện thoại sẽ không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh nói trên hay một lệnh cấm thương mại rộng hơn, ít nhất là chưa bị ảnh hưởng ngay.
Hiện tại, Huawei không cần thay đổi các linh kiện sau:
Màn hình OLED
Samsung và LG chiếm phần lớn nguồn cung màn hình OLED cho thế giới và Huawei sử dụng màn hình của cả hai hãng này cũng như của nhà sản xuất Trung Quốc BOE.
Có thể ba công ty này sẽ tiếp tục bán màn hình cho Huawei. Các nhà sản xuất màn hình OLED khác cũng có thể có cơ hội bán hàng cho Huawei, ví dự như Japan Display.
Camera và RAM
Loạt camera trong chiếc P30 Pro do thương hiệu Trung Quốc Sunny Optical cung cấp. Camera này giúp chụp ảnh trong điều kiện ít ánh sáng tốt nhất trong số các điện thoại.
Về RAM, công ty Hàn Quốc SK Hynix chuyên cung cấp RAM LPDDR4X cho chiếc P30 Pro. Trước đó, Huawei mua RAM của Micron cho chiếc P20 Pro.
Với những thông tin trên, tình hình có thể không ảm đạm như mới nhìn. So với ZTE, Huawei sẵn sàng hơn trong đối phó với những khó khăn từ lệnh cấm của Mỹ.
Giống như Apple, Huawei thiết kế bộ xử lý riêng. Nếu phối hợp tăng cường với HiSilicon, Huawei có thể sản xuất chúng cũng như các linh kiện khác. Dù vậy, có thể chất lượng điện thoại Huawei sẽ giảm sút trong khi Huawei tìm cách thay đổi.
Chặn đường tiếp cận linh kiện Mỹ là động thái đủ mạnh để khiến bất kỳ công ty điện thoại nào điêu đứng, đặc biệt là khi phần to của miếng bánh lại là phần mềm cốt lõi làm nên một chiếc điện thoại mà khách hàng kỳ vọng. Chắc chắn Huawei sẽ bị tổn thương bởi sắc lệnh của Tổng thống Trump và những quyết định sau đó.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc muốn trả đũa, chuỗi cung toàn cầu ngành điện tử có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng tới vô số công ty.