Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), trong bản dự luật mới, Trung Quốc nhấn mạnh công nghệ “an toàn và có thể kiểm soát” trong các cơ sở hạ tầng dữ liệu quan trọng của đất nước, làm dấy lên đồn đoán luật này có thể được sử dụng như một “công cụ trả đũa” cấm các công ty công nghệ của Mỹ với lý do liên quan đến an ninh quốc gia.
Trong tài liệu dự thảo Giải pháp An ninh Mạng công bố hôm 24/5, Cơ quan quản lý an ninh mạng Trung Quốc quy định các nhà điều hành cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu quốc gia, bao gồm các mạng viễn thông lớn và dịch vụ cung cấp tài chính, cần phải đánh giá kỹ lưỡng các nguy cơ về mặt an ninh quốc gia khi mua các sản phẩm và dịch vụ của nước ngoài.
“Trung Quốc có thể sử dụng quy định trong dự luật này để tẩy chay việc mua các sản phẩm công nghệ Mỹ liên quan đến an ninh quốc gia. Đây dường như là đòn phản ứng trước sắc lệnh mới của Chính phủ Mỹ”, Samm Sacks – nhà nghiên cứu kinh tế kỹ thuật số và chính sách an ninh mạng Trung Quốc tại viện New America – nhận định.
Sắc lệnh mà bà Samm Sacks muốn nói tới là lệnh cấm do Tổng thống Donald Trump ký ban hành vào tuần trước nhằm vào “ông lớn” công nghệ Trung Quốc Huawei. Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang của Chính phủ Mỹ không được mua các sản phẩm của công ty này do lo ngại về an ninh quốc gia. Mỹ cũng đưa Huawei vào "danh sách đen" trừng phạt, ngăn cho các công ty Mỹ và các tập đoàn sử dụng công nghệ Mỹ cung cấp linh kiện cho đối tác Trung Quốc. Ngay sau khi ban hành thông báo, một loạt công ty lớn tại Mỹ như Google, Qualcomm, Intel… tuyên bố chấm dứt hoạt động chuyển giao linh kiện và giấy phép hợp tác cho Huawei.
Mối lo an ninh quốc gia luôn là cái cớ để Washington chỉ trích Huawei. Các nhà lập pháp nước này luôn cáo buộc Huawei có mối quan hệ mờ ám với Chính phủ Trung Quốc và các sản phẩm của công ty có thể được dùng với mục đích gián điệp. Về phần mình, Huawei liên tục bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ. Sau lệnh cấm của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố ủng hộ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Huawei.
Dự luật an ninh mạng Trung Quốc, được công bố trực tuyến để lấy phản hồi từ công chúng cho đến hết ngày 24/6, là một phần của cải cách luật an ninh mạng nước này có hiệu lực từ tháng 6/2017. Dự luật không nêu rõ danh sách chi tiết về những điều được coi là rủi ro bảo mật, ngoài việc cung cấp một số ví dụ như “rò rỉ, mất hoặc chuyển dữ liệu quan trọng xuyên biên giới”…
“Nội dung không rõ ràng trong dự luật đồng nghĩa với việc các quan chức có nhiều sự linh hoạt trong cách họ muốn thực hiện cải cách, và nó cũng đồng nghĩa với việc dự luật này có thể đóng vai trò là đòn trả đũa tương ứng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”, Nick Marro – chuyên gia phân tích kinh tế tại Hong Kong – kết luận.