Hợp tác không gian Mỹ-Nga vẫn tốt bất chấp khủng hoảng Ukraine

Căng thẳng đang diễn ra tại miền Đông Ukraine được cho là sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa các phi hành gia của hai nước Nga và Mỹ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Chú thích ảnh
Các phi hành gia Mỹ và Nga vẫn hợp tác trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Ảnh: AP

Hiện 4 phi hành gia thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), 2 phi hành gia Nga và 1 phi hành gia châu Âu sinh sống và làm việc trên ISS.

Theo hãng tin Reuters, ông Scott Pace – từng đảm nhiệm vị trí thư ký điều hành của hội đồng không gian dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện là giám đốc của Viện Chính sách Không gian thuộc Đại học George Washington - cho biết trạm vũ trụ ISS “gần như tách biệt” khỏi các sự kiện chính trị.

Ông Pace lý giải: “Việc rạn nứt quan hệ với Nga sẽ gây nguy hiểm cho trạm vũ trụ, nhưng điều đó chỉ thực sự xảy ra trong trường hợp quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia chấm dứt, mà đây dường như là phương án cuối cùng nên tôi không thực sự nhìn thấy tương lai đó xảy ra, trừ khi xảy ra một cuộc xung đột quân sự lớn hơn”.

Trạm vũ trụ ISS là một sản phẩm hợp tác quốc tế của năm cơ quan vũ trụ thuộc 15 quốc gia, bao gồm Canada, một số quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Nga và Mỹ được phóng lên quỹ đạo vào năm 1998. Năm 2020, trạm ISS chứng kiến mốc kỷ niệm hai thập kỷ con người liên tục sống và làm việc trên quỹ đạo.

Đội phi hành gia đầu tiên được đưa lên ISS vào tháng 10/2000 bao gồm một phi hành gia Mỹ, ông Bill Shepherd và hai phi hành gia Nga Sergei Krikalev và Yuri Gidzenko. Hai ngày sau khi lên quỹ đạo, họ mở cửa trạm vũ trụ, siết chặt tay nhau thể hiện ý chí đoàn kết. Ba phi hành gia chung sống và làm việc hòa thuận với nhau nhưng đôi khi vẫn bùng phát căng thẳng đối với hai trạm điều khiển bên dưới mặt đất, một ở Houston (Mỹ) và một ở Moskva (Nga).

Với những lo ngại về tác động mà xung đột Ukraine có thể gây ra đối với ISS, các nhà lập pháp Mỹ đã xây dựng luật và miễn trừ hợp tác không gian ra khỏi các lệnh trừng phạt nhắm đến Nga.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga tại Brussels hồi đầu năm cho biết ông rất muốn thảo luận về các giải pháp ngăn chặn các sự cố hoặc tai nạn quân sự nguy hiểm liên quan đến Nga và các nước phương Tây, cũng như giảm thiểu các mối đe dọa về không gian và mạng, đặt ra giới hạn về việc triển khai tên lửa và những sáng kiến kiểm soát vũ khí khác.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine
Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine

Ngày 23/2, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã họp phiên toàn thể về tình hình Ukraine, với sự tham dự của gần 200 nước thành viên LHQ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN