Hai nước cộng hòa tự xưng ở Ukraine đề nghị Nga hỗ trợ quân sự

Các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk mới được Nga công nhận muốn Nga giúp họ đối phó với lực lượng của chính phủ Ukraine.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Nga tại Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài RT (Nga), những người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã viết thư riêng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả hai bức thư đều đề ngày 22/2.

Trong thư, họ nói rằng căng thẳng với lực lượng Ukraine gia tăng kể từ khi Nga công nhận các khu vực này là các quốc gia độc lập.

Ông Denis Pushilin (lãnh đạo DPR) và ông Leonid Pasechnik (lãnh đạo LPR) viện dẫn điều 3 và 4 trong các hiệp ước mới được phê chuẩn về hợp tác, viện trợ lẫn nhau với Nga. Theo đó, họ đề nghị Nga hỗ trợ để đẩy lùi lực lượng quân đội của Ukraine. Họ cáo buộc lực lượng Ukraine đang tiến hành chiến tranh chống lại mình.

Theo ông Pushilin, phía Ukraine gia tăng bắn phá bằng pháo nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng và khiến 300.000 người không có nước do các công trình cấp nước chính của khu vực này bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trên 40.000 người đã phải sơ tán.

Trong khi đó, ông Pasechnik viết: “Các hành động của Kiev chứng minh rằng họ không có mong muốn thực hiện các thỏa thuận Minsk và ngừng chiến tranh ở Donbass”. Ông cũng cho biết thêm rằng Ukraine đang nhận viện trợ quân sự từ Mỹ và các nước phương Tây khác và muốn chấm dứt xung đột với LPR bằng vũ lực. Theo ông Pasechnik, trên 51.000 người đã sơ tán khỏi Lugansk cho đến nay, hơn một nửa trong số đó là trẻ em.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định không có cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào hai khu vực mà Kiev coi là các vùng lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng. Ukraine cũng cáo buộc DPR và LPR dàn dựng các sự cố với dân thường để cáo buộc Ukraine.

Donetsk và Lugansk tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào năm 2014. Các nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm giành lại khu vực này bằng vũ lực đã thất bại. Sau đó, các bên ngừng bắn theo các thỏa thuận được ký kết ở Minsk, Belarus.

Nga từ lâu đã từ chối công nhận hai nước cộng hòa, coi cuộc xung đột là một vấn đề nội bộ của Ukraine. Tuy nhiên, ngày 21/2 , Tổng thống Putin nói rằng Ukraine đã công khai không tuân thủ các thỏa thuận Minsk và ông đã ký một sắc lệnh công nhận Donetsk và Lugansk.

Không chỉ công nhận nền độc lập, ông Putin cũng ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ DPR và LPR.

Sau cuộc họp bất thường Hội đồng An ninh Nga đêm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự ở khu vực Donbass, nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngược lại, mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu có thể diễn ra đều thuộc về Kiev. Ông Putin khẳng định Nga đã làm tất cả để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong đó có việc đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk, song đều vô ích.

Phản ứng trước bước đi của Nga, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới về thương mại và tài chính đối với hai vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk. Tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh Tổng thống Biden sẽ ký một sắc lệnh hành pháp cấm người Mỹ thực hiện các hoạt động đầu tư, thương mại và tài chính mới đến hoặc từ hai vùng lãnh thổ này.

Các nước như Đức, Anh, Gruzia, Romania, Áo, Moldova cũng đã ngay lập tức phản đối quyết định của Nga.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về quyết định của Nga, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine phù hợp với các thỏa thuận Minsk được Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Căng thẳng Nga-Ukraine tác động mạnh đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu
Căng thẳng Nga-Ukraine tác động mạnh đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu

Nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước có sản lượng lương thực cao trên thế giới đang gây lo ngại về sự leo thang giá của mặt hàng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN