Kênh truyền hình RT đưa tin dầu thô Brent trong phiên giao dịch ngày 9/3 tại châu Á đã chứng kiến lần mất giá thảm hại nhất kể từ cuối thập niên 1990. Ngân hàng đầu tư tài chính toàn cầu Goldman Sachs cảnh báo trước tình hình hiện nay, giá “vàng đen” có thể tiếp tục giảm xuống mốc 20U SD/thùng.
Cụ thể, giá dầu ngày 9/3 đã ghi nhận mức giảm trong ngày mạnh nhất kể từ năm 1991, sau khi Saudi Arabia bắt đầu một "cuộc chiến về giá dầu" với Nga bằng cách giảm mạnh giá bán chính thức và cam kết giải phóng nguồn cung vào thị trường vốn đang lao đao do nhu cầu ngày càng sụt giảm trước tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus Corona SARS-CoV-2 gây ra.
Trong bối cảnh thị trường lao dốc, Goldman Sachs đã điều chỉnh dự báo giá quý 2 và 3 xuống còn 30 USD/thùng, đồng thời cảnh báo khách hàng đầu tư rằng tình trạng giảm giá có thể còn tiếp tục trong tương lai gần.
Nhà chiến lược dầu mỏ Damien Courvalin tại Goldman Sachs thông báo đến khách hàng: “Tiên lượng về thị trường dầu thậm chí còn khủng khiếp hơn hồi tháng 11/2014, do bùng nổ một cuộc chiến giá cả, do giảm nhu cầu tiêu thụ đáng kể liên quan đến virus Corona”.
Theo ông, tình hình hiện nay “thay đổi hoàn toàn triển vọng đối với thị trường khí đốt và dầu mỏ và lập nên trật tự thế giới mới về dầu lửa, với việc các nhà sản xuất chi phí thấp tăng nguồn cung từ công suất dự phòng của họ để buộc các nhà sản xuất chi phí cao hơn giảm đầu ra”.
Nằm trong nhóm chi phí cao trên chính là các nhà sản xuất đá phiến Mỹ, có mức giá hòa vốn trung bình lên tới 68 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Nga Rosstat, giá hòa vốn năm 2019 của Nga, không kể thuế phí, phải tương đương với 31,9 USD/thùng. Trong khi đó, tập đoàn Saudi Aramco thông báo giá hòa vốn của họ chỉ 17 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 5 đã giảm 28,69% vào ngày 9/3 xuống còn 32,28 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao tháng 4 giảm 31,35% xuống còn 28,33 USD/thùng.
Hãng tin Bloomberg News ngày 8/3 đưa tin, Saudi Arabia đã thực hiện lần giảm giá bán mạnh nhất trong 20 năm qua. Saudi Arabia giảm giá bán dầu giao tháng 4/2020 xuất khẩu sang thị trường châu Á khoảng 4-6 USD/thùng và giảm 7 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Động thái sụt giảm trên xuất hiện sau khi các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và nước đồng minh là Nga, còn gọi là OPEC+, không đạt được sự đồng thuận về đề xuất cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày nhằm ứng phó các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Nga không ủng hộ đề xuất này. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng kéo dài 3 năm qua giữa OPEC và Nga đã kết thúc ngày 6/3, sau khi Nga từ chối ủng hộ đề xuất cắt giảm sản lượng sâu hơn và OPEC đã phản ứng bằng cách xóa bỏ mọi giới hạn trong sản xuất của tổ chức này.
Margaret Yang, nhà phân tích của trung tâm CMC Markets, cho biết giá dầu thô giảm 30% là chưa từng có và đang dẫn đến những ảnh hưởng vô cùng lớn trên các thị trường tài chính. Ngân hàng OCBC của Singapore cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với nguy cơ giảm phát nếu giá dầu chỉ quanh ngưỡng 30 USD/thùng trong thời gian kéo dài vì giá dầu giữ vai trò chính trong thúc đẩy lạm phát.