Theo ông Suga, vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị là tăng cường kết nối khu vực. Các quan chức Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng ở các nước Đông Nam Á dọc theo sông Mekong để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và cởi mở" dựa trên một trật tự có quy tắc và tự do thương mại. Phát biểu tại họp báo, ông Suga nêu rõ: "Chúng tôi sẽ thực hiện các đường lối chỉ đạo mới về hợp tác Nhật Bản-Mekong và hy vọng tăng cường hơn nữa quan hệ với khu vực này".
Hãng tin Kyodo dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết việc tăng cường hợp tác và thúc đẩy hội nhập của khu vực sông Mekong là một ưu tiên đối với Nhật Bản do khu vực này có vị trí quan trọng chiến lược - nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc và nhìn ra Biển Đông - trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Tiếp nối chiến lược hiện tại được áp dụng từ năm 2015, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ áp dụng một chiến lược mới nhằm cải thiện kết nối khu vực thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Khu vực này được xem là thị trường đầy triển vọng đối với các công ty Nhật Bản, trong khi tăng trưởng kinh tế ở 5 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khiến các nhu cầu về phát triển trở nên phức tạp và đa dạng hơn. Viện trợ phát triển chính thức của Tokyo dành cho khu vực nhằm nâng cao khả năng kết nối thông qua các dự án xây dựng đường sá và các dự án cơ sở hạ tầng khác để đảm bảo dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và giao lưu nhân dân. Ngoài ra, Nhật Bản cũng chú trọng hỗ trợ đào tạo kỹ thuật và phát triển nhân lực cho các quốc gia trong khu vực này.