Trong ảnh từ trái sang là Thủ tướng Anh Theresa May (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (thứ hai, trái) tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels ngày 15/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc gặp của 27 nhà lãnh đạo EU trong bữa tối bên lề Hội nghị thượng đỉnh để bàn về Brexit đã thu hút nhiều quan tâm của dư luận. Sau khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về Brexit, đây là cuộc gặp lần thứ hai của 27 lãnh đạo EU mà không có sự tham dự của thủ tướng Anh.
Các nhà lãnh đạo EU cho biết lần gặp này không bàn đến nội dung về các cuộc đàm phán sắp tới với London mà là làm rõ vai trò của EU khi đàm phán trong tương lai.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo 28 nước EU đã quyết định kéo dài thêm 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên Nga từ năm 2014 liên quan đến vấn đề Ukraine. Trong bối cảnh tình hình chiến sự leo thang tại Syria, EU thể hiện quan điểm về các cuộc tấn công vào thành phố Aleppo và kêu gọi cứu trợ sơ tán dân thường ra khỏi khu vực chiến sự.
Liên quan đến Hiệp định liên kết EU-Ukraine, Hà Lan đã đạt được thỏa thuận với 27 nước trong liên minh về một văn bản thỏa thuận mở đường cho khả năng Nghị viện nước này phê chuẩn hiệp định với Ukraine, vốn bị bế tắc tại Hà Lan khi vào tháng 4 vừa qua hiệp định đã bị từ chối thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân.
Thủ tướng Hà Lan, ông Mark Rutte cho biết văn bản là một ràng buộc pháp lý đối với các nước thành viên và sẽ có hiệu lực khi Hà Lan phê chuẩn Hiệp định liên kết EU-Ukraine.
Văn bản thỏa thuận quy định Ukraine không có tư cách là nước ứng cử viên gia nhập EU, không có hợp tác bắt buộc về quốc phòng và không cho phép công dân Ukraine làm việc trong các nước EU.
Nhiệm vụ của ông M. Rutte là thuyết phục để Nghị viện Hà Lan phê chuẩn hiệp định này. Ông Rutte đánh giá “đó là một thách thức không hề đơn giản. Nhưng điều này cần thiết nhằm giúp châu Âu tiếp tục củng cố khối thống nhất”.
Về vấn đề người di cư, 28 nước EU đánh giá việc thực thi thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết vào hồi tháng 3 vừa qua là rất quan trọng. Thỏa thuận cho phép giảm đáng kể làn sóng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ qua biển Aegean đến Hy Lạp. EU cần tiếp tục hợp tác với các đối tác châu Phi khống chế làn sóng di cư vào hướng bờ biển của Italy.