Trong thông báo hồi tháng 12/2022 về kế hoạch tổ chức "Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu", Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh hội nghị này chỉ bao gồm lãnh đạo của các nước đã đề ra kế hoạch cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Trong số các nước được mời tham dự hội nghị này có Brazil, Canada, Pháp. Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại New York xác nhận Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ phát biểu tại hội nghị.
Trong danh sách diễn giả phát biểu tại hội nghị không có đại diện của Trung Quốc và Mỹ, hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cử đặc phái viên về khí hậu, ông John Kerry tham dự hội nghị. Ngoài ra, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom cũng tham dự.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông John Kerry đã gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) ngày 19/9 bên lề Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Tại cuộc gặp, Đặc phái viên Mỹ nhấn mạnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần nỗ lực đẩy nhanh quá trình trung hòa carbon và giảm phát thải khí methane.
Theo ước tính, hiện Mỹ và Trung Quốc mỗi năm phát thải tới 40% lượng khí nhà kính toàn cầu. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu cắt giảm phát thải của Mỹ, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hồi tháng 8/2022, Tổng thống Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó bao gồm gói hỗ trợ trị giá 369 tỷ USD cho các dự án khí hậu và năng lượng sạch của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức sau khi LHQ công bố một báo cáo cho thấy các nước không thực hiện được những cam kết đưa ra 8 năm trước đây tại Paris nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Phát biểu ngày 19/9 tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Các Mục tiêu phát triển bền vững, Tổng thư ký LHQ Guterres đã bày tỏ quan ngại về những tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra, nhấn mạnh rằng các nước luôn "lỡ hẹn" với cam kết cắt giảm phát thải không nên chờ đợi các nước khác hành động trước.