Hội nghị quốc tế tại Berlin tìm kiếm cơ hội hòa bình cho Libya

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ngày 19/1, Hội nghị quốc tế về Libya được tổ chức tại thủ đô Berlin - CHLB Đức. Mục tiêu dài hạn của chính phủ Đức là “một Libya có chủ quyền” và “hòa giải nội bộ Libya" cũng như đạt được sự ổn định cho toàn khu vực. 

Chú thích ảnh
Lãnh đạo lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đóng ở miền Đông, Tướng Khalifa Haftar, phát biểu tại thành phố Benghazi. Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền thông Đức ngày 19/1 đưa tin sau nhiều cuộc họp sơ bộ với các quan chức, Chính phủ Thủ tướng Angela Merkel đã mời đại diện cao nhất của hai bên xung đột tại Libya dự hội nghị, gồm ông Fayez al-Sarraj đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) ở Tripoli và Tướng Khalifa Haftar đứng đầu lực lượng miền Đông tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA). 

Tổng thống các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, cùng đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi, Liên đoàn Arab và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng tham dự hội nghị.

Bà Merkel đang cố gắng thuyết phục các quốc quốc gia liên quan xung đột ở Libya kiềm chế việc cung cấp vũ khí và tuân thủ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, việc thực hiện các biện pháp hòa bình trong cuộc xung đột này có thể sẽ khó khăn và có rất ít cơ hội.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul cho biết trọng tâm hiện nay chưa phải là đàm phán hòa bình mà  mục tiêu chính là để các bên thống nhất về các điều kiện khung nhằm giảm ảnh hưởng tại Libya. 

Tờ Welt am Sonntag (Thế giới ngày Chủ nhật) ngày 19/1 dẫn lời người đứng đầu GNA Sarraj kêu gọi rằng nếu Tướng Haftar không ngăn chặn được các cuộc tấn công, “cộng đồng quốc tế phải hành động, kể cả đưa lực lượng để bảo vệ người dân Libya”.

Ông Sarraj hoan nghênh một lực lượng quốc tế hành động dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, không phải để bảo vệ cho một chính phủ mà để bảo vệ người dân Libya. Đầu tuần trước, Tướng Haftar đã từ chối ký thỏa thuận ngừng bắn tại một hội nghị ở Moskva.

Libya trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA ở Tripoli được LHQ công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar đứng đầu quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. 

Tháng 4/2019, Tướng Haftar bắt đầu các cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli. Ngay trước hội nghị ở Berlin, lực lượng ủng hộ Tướng Haftar đã chiếm các cảng dầu quan trọng ở Libya. Quân đội của tướng Haftar đã kiểm soát phần lớn Libya trong khi chính phủ của ông Sarraj được quốc tế công nhận chỉ kiểm soát một phần nhỏ của đất nước.

Tình hình Libya trở nên phức tạp hơn do sự can thiệp của bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân đến Libya hỗ trợ GNA. Trong khi đó, các nước ủng hộ Tướng Haftar đã hỗ trợ quân sự cho LNA.

Nội bộ EU cũng chia rẽ về vấn đề Libya, theo đó Pháp ủng hộ Tướng Haftar trong khi Italy gần gũi chính phủ của ông Sarraj. Gần đây, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã đề xuất một lực lượng bảo vệ EU cho Libya.

Phát biểu trước thềm hội nghị ở Berlin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông hy vọng hội nghị sẽ là "một bước đi quan trọng" để củng cố thỏa thuận ngừng bắn và một giải pháp chính trị cho Libya.

Thanh Bình, Anh Đức (TTXVN)
Tunisia sẽ không tham gia Hội nghị Berlin về Libya
Tunisia sẽ không tham gia Hội nghị Berlin về Libya

Ngày 18/1, Bộ Ngoại giao Tunisia gửi lời cảm ơn thủ tướng Đức Angela Merkel vì đã mời Tổng thống Kais Saied tham dự Hội nghị Berlin về Libya, nhưng đồng thời khẳng định nước này sẽ không thể tham gia Hội nghị vì nhận được lời mời quá muộn và không có đủ thời gian để chuẩn bị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN