Phát biểu tại hội nghị tổng kết thường niên năm 2019, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh nước này đang điều quân tới Libya nhằm đảm bảo sự tồn vong và ổn định của chính phủ hợp pháp của quốc gia này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara sẽ tiếp tục điều động mọi phương tiện và năng lực chính trị, thương mại, nhân đạo, ngoại giao và quân đội để đảm bảo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong bài phát biểu này, Tổng thống Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu hoạt động khoan và khai thác dầu khí ở các giếng dầu ở Đông Địa Trung Hải, nằm trong khu vực đã được Ankara và GNA ký kết thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển giữa hai nước hồi tháng 11/2019.
Hồi đầu tháng một, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua kế hoạch đưa quân tới Libya để hỗ trợ chính quyền GNA chống lại các vụ tấn công của Quân đội miền Đông Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu, ủng hộ chính quyền ở miền Đông.
Hôm 8/1 vừa qua, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Tổng thống Tayip Erdogan cho biết nước này đã triển khai nhóm quân nhân gồm 35 người tới Libya. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ không tham chiến tại đây mà chỉ tham gia công tác đào tạo, huấn luyện và các nhiệm vụ phối hợp cùng với lực lượng của GNA. Tổng thống Erdogan cho biết các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến được triển khai tới Libya trong thời gian tới cũng sẽ không tham chiến.
Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Tại nước này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng LNA do Tướng Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và UAE hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Cộng đồng quốc tế hiện đang nỗ lực thúc đẩy các kênh đối thoại để tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng tại Libya. Ngày 14/1 vừa qua, Chính phủ Đức thông báo tổ chức hội nghị thượng đỉnh về cuộc xung đột tại Libya vào cuối tuần này. Nước chủ nhà đã mời đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tới tham dự hội nghị. Berlin cũng mời đại diện của các bên đối lập tại Libya, gồm Tướng Khalifa Haftar và người đứng đầu GNA Fayez al-Sarraj, nhưng chưa nhận được phản hồi từ hai bên. Cho tới nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấp nhận lời mời tham dự hội nghị tại Berlin.
Đầu tuần này, phái đoàn của hai bên đối địch ở Libya đã tiến hành đàm phán tại Moskva nhằm cố gắng đi đến một thỏa thuận ngừng bắn với vai trò trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên sau đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Tướng Haftar đã rời khỏi thủ đô Moskva của Nga mà không ký kết thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt 9 tháng xung đột tại thủ đô Tripoli sau khi lực lượng LNA phát động tấn công vùng lãnh thổ đang nằm trong tầm kiểm soát của GNA này.