Hội nghị LHQ ở Mê hi cô: Nhiều cam kết còn bỏ ngỏ

Ngày 10/12 (giờ VN), Hội nghị cấp cao lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (BĐKH) (COP 16) diễn ra tại thành phố biển Cancun ở đông nam Mêhicô đã bước vào giai đoạn nước rút.


Đại diện của hơn 190 quốc gia trên thế giới đã tập trung rà soát văn kiện cuối cùng với hy vọng tìm được sự đồng thuận cao và đưa Cancun thoát khỏi bóng đen của hội nghị năm ngoái tại Côpenhaghen (Đan Mạch). Nhiều hi vọng được đặt vào COP 16 nhưng ít giờ trước khi bế mạc, hội nghị vẫn chưa đạt được nhiều cam kết đáng kể. COP 16 dự kiến bế mạc vào sáng 11/12 (giờ Việt Nam), song do tính phức tạp của vấn đề, nước chủ nhà đã chuẩn bị khả năng hội nghị sẽ kéo dài thêm.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Mêhicô đưa tin từ Cancun, theo sáng kiến của nước chủ nhà Mêhicô, đại diện của hơn 50 nước tham gia hội nghị đã xem xét văn kiện cuối cùng và sàng lọc để giải quyết những điểm khác biệt. Trong đó, Tổng thống Mêhicô Felipe Calderon đã kêu gọi các quốc gia tập trung vào cơ chế giảm khí thải và ngăn chặn tình trạng nhiệt độ trung bình thế giới tăng lên.

Toàn cảnh phiên họp COP 16. Ảnh: AFP-TTXVN

Bộ trưởng Môi trường Mêhicô Juan Rafael Elvira Quesada cho biết, sau 10 ngày làm việc, có thể nói các lĩnh vực liên quan đến cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo tính minh bạch trong chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, cuộc chiến chống nạn phá rừng, vai trò của thị trường mua bán hạn ngạch phát thải như một công cụ hữu hiệu nhằm cắt giảm lượng khí thải đều đạt những tiến bộ về chất và tiến gần đến thỏa thuận cuối cùng. 


Các nước phát triển bao gồm các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ đã cam kết tài trợ 30 tỷ USD trước năm 2013 và 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 cho các nước nghèo để đối phó với tình trạng BĐKH. Theo Bộ trưởng Quesada, nút thắt quan trọng của COP 16 là giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto và quá trình cắt giảm lượng khí thải theo cơ chế Hợp tác Hành động lâu dài (LCA).

Trong hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Ryu Matsumoto tiếp tục khẳng định lại lập trường cứng rắn của Nhật Bản không tham gia giai đoạn 2 Nghị định thư Kyoto nếu các nước xả khí thải lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc không đưa ra cam kết cụ thể. Còn Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez cho rằng, các chi tiết cụ thể có thể phải chờ tới COP 17, dự định tiến hành tại Nam Phi vào năm sau.

Việt Nam khẳng định chia sẻ nỗ lực toàn cầu nhằm làm giảm tác động của BĐKH

Sáng 10/12, phát biểu tại phiên toàn thể COP 16 và Hội nghị lần thứ 6 các bên ký Nghị định thư Kyoto (CMP 6), Trưởng đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Công ước khung của LHQ về BĐKH và Nghị định thư Kyoto, được các bên tham gia ký năm 1997.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, những nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động triển khai các chương trình cấp quốc gia nhằm tăng khả năng thích ứng và giảm thiểu tác động của hiện tượng BĐKH cũng như tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng thay thế, trồng rừng và hướng tới một nền kinh tế ít cácbon. Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra một số kiến nghị, kêu gọi các bên tham gia công ước và Nghị định thư Kyoto thúc đẩy các nước và tổ chức phát triển tiếp tục tăng cường các biện pháp hữu hiệu và sát vai cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến toàn cầu ứng phó với BĐKH. 


Bộ trưởng đồng thời đề nghị các nước phát triển tham gia công ước cần có cam kết lớn hơn để thực sự giảm thiểu lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi các nước đang phát triển cần tiếp tục nỗ lực triển khai các chương trình giảm thiểu hiện tượng BĐKH phù hợp trên cơ sở tự nguyện và khả năng thực tế của từng quốc gia, thúc đẩy một thỏa thuận về cơ chế chống phá rừng và suy thoái rừng mở rộng (REED +), áp dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm giảm thiểu phát thải và tạo thuận lợi cho việc tăng cường và duy trì đa dạng sinh học, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, cũng như hỗ trợ cộng đồng địa phương có thể phát triển bền vững.


Trong thời gian tham dự Hội nghị BĐKH của LHQ, khai mạc từ ngày 29/11, đoàn Việt Nam còn tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ và tiếp xúc song phương với nhiều đoàn thuộc các nước trong khối ASEAN, Mêhicô, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Na Uy… và các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB).

Tại các cuộc tiếp xúc, Việt Nam và các đối tác đều nhất trí đẩy mạnh hợp tác và trao đổi kinh nghiệm, tăng cường năng lực hoạch định chính sách, đầu tư vào công nghệ xanh, sạch, quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, trồng rừng, cũng như sự kết hợp hài hòa giữa xây dựng các công trình hạ tầng và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững.

Qua tiếp xúc, các đối tác đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua nhằm ứng phó với hiện tượng BĐKH và các tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất trí cần duy trì các nỗ lực lớn hơn, với chương trình hành động cụ thể hơn, đóng góp tài chính thích đáng hơn của các nước phát triển, các nền kinh tế lớn đối với quá trình này.

Việt Hòa (P/v TTXVN tại Mêhicô)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN