Ông Motegi cũng bày tỏ hy vọng tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tiến triển, sau khi Ấn Độ tuyên bố không tham gia hiệp định trên. Ngoại trưởng Motegi cho rằng RCEP là một khung quan trọng để khuyến khích thương mại tự do trên toàn thế giới. Trước đó trong năm nay, các nhà lãnh đạo RCEP đã từ bỏ mục tiêu ký kết hiệp định này trước cuối năm nay. Ấn Độ không muốn giảm các hàng rào thương mại của mình vì đã chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc suốt nhiều năm.
Các ngoại trưởng G20 ngày 23/11 nhất trí G20 sẽ dẫn đầu trong việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong bối cảnh Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác đang hối thúc WTO cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp của mình, nội dung đã được đưa ra trong tuyên bố của G20 sau hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Sáu ở Osaka.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có hồi kết, ông Motegi hối thúc G20 tăng cường các cuộc thảo luận để có những nỗ lực cụ thể nhằm thúc đẩy thương mại công bằng và tự do. Cuối tháng Sáu, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí thúc đẩy thương mại tự do và cam kết sử dụng “tất cả các công cụ chính sách” để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều nguy cơ suy thoái.
Đồng quan điểm với Ngoại trưởng Nhật Bản, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng G20 nên dẫn đầu trong việc đấu tranh cho chủ nghĩa đa phương. Theo ông, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại trước nhiều nguy cơ, và thế giới đang nhiều bất ổn vì chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang gia tăng.
Ông Vương nghị khẳng định: "Chúng ta không thể ngồi yên mà phải hành động”, đồng thời nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương là chìa khóa giải quyết nhiều vấn đề mang tính toàn cầu. Nhà lãnh đạo này cho rằng chủ nghĩa đa phương, dựa trên luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản của các mối quan hệ quốc tế, là nhằm mục đích duy trì hòa bình thế giới và sự phát triển chung, bảo vệ công lý và sự bình đẳng, cũng như thúc đẩy lợi ích chung.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định phát triển bền vững là chìa khóa cho nhiều vấn đề lớn mà thế giới đang gặp phải, và chấm dứt đói nghèo là mục tiêu hàng đầu của Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững năm 2030.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Nagoya là hội nghị cấp bộ trưởng cuối cùng của G20 trong năm Nhật Bản giữ vai trò Chủ tịch của G20. Dự kiến, kết thúc hội nghị, Nhật Bản sẽ chuyển giao chức Chủ tịch G20 luân phiên cho Saudi Arabia.