Hội nghị COP26: Canada sẽ áp đặt giới hạn lượng khí thải trong lĩnh vực dầu khí

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 1/11, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), đang diễn ra tại Glasgow (Anh), Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 1/11 đã tuyên bố nước này sẽ áp đặt "giới hạn cứng" đối với lượng khí thải từ lĩnh vực dầu khí.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Gọi lời hứa trên là "một cam kết lớn" sẽ truyền cảm hứng cho các quốc gia giàu tài nguyên khác để hạn chế đáng kể lượng khí thải, Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada sẵn sàng hạn chế sức tăng trưởng của một trong những ngành công nghiệp lớn nhất đất nước để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5 độ C. Canada đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - một nhiệm vụ không nhỏ đối với một quốc gia sản xuất dầu khí lớn.

Năm 2019, lĩnh vực dầu khí của Canada thải ra 191 triệu tấn khí gây hiệu ứng nhà kính, tương đương 26% tổng lượng phát thải của quốc gia Bắc Mỹ này. Nguồn phát thải lớn thứ hai của Canada là lĩnh vực giao thông, với mức phát thải 186 triệu tấn khí. Kể từ năm 1990, lượng phát thải từ lĩnh vực dầu khí đã tăng gần gấp đôi, chủ yếu do sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp cát dầu.

Hiệp hội các nhà sản xuất dầu mỏ Canada (CAPP) đã lập luận rằng Canada chiếm chưa đến 1,5% lượng khí thải nhà kính của thế giới và những nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu nên tập trung vào than - vốn chiếm một nửa tổng lượng khí thải. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CAPP, Tim McMillan cho biết, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ là những sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Canada và là trụ cột mang tính "nền móng" của nền kinh tế nước này, hỗ trợ khoảng 500.000 việc làm và chiếm khoảng 30 tỷ CAD đầu tư kinh tế hàng năm. Theo ông Tim McMillan, để đạt được các tham vọng trong Thỏa thuận Paris, thế giới cần hướng tới việc tăng cường khả năng tiếp cận với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên có lượng khí thải ít hơn. Canada, với môi trường chính sách phù hợp, có thể định vị mình là nhà cung cấp toàn cầu, tạo việc làm và sự thịnh vượng cho người dân Canada và giúp giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị COP26, Thủ tướng Trudeau cũng nêu ý tưởng thiết lập mức giá tối thiểu toàn cầu về khí thải để tạo sân chơi công bằng cho các quốc gia như Canada, nơi đã đánh thuế đối với các nguồn nhiên liệu phát thải nhiều nhằm hướng người tiêu dùng sang năng lượng sạch hơn. Mức thuế đó dự kiến sẽ tăng đáng kể lên 170 CAD/tấn vào cuối thập kỷ này, một trong những mức giá carbon cao nhất thế giới. Đây là một phần trong kế hoạch của liên bang Canada nhằm đáp ứng và vượt mục tiêu của Ottawa là tới năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 40% so với mức của năm 2005. Việc tăng thuế sẽ dẫn đến giá xăng, dầu sưởi ấm, khí đốt tự nhiên và propan cũng sẽ tăng.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã thành lập "Quỹ thích ứng" cách đây hơn 10 năm. Quỹ này đã giúp đỡ nông dân ở Argentina với các kế hoạch bảo hiểm chi phí thấp, tài trợ cho các sáng kiến "quản lý bờ biển" ở Cuba và đào tạo 6.000 người Fiji về các chiến lược và hành động giảm thiểu rủi ro khí hậu. Thủ tướng Trudeau đã cam kết đóng góp 1 tỷ CAD cho một chương trình giúp các nước nghèo trong quá trình chuyển đổi "từ than sang năng lượng sạch", đảm bảo nhiều quốc gia hơn chuyển từ các nhà máy điện than sang năng lượng Mặt trời và năng lượng gió.

Hương Giang (TTXVN)
Hội nghị COP26: Indonesia khẳng định cam kết chống biến đổi khí hậu
Hội nghị COP26: Indonesia khẳng định cam kết chống biến đổi khí hậu

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết Indonesia sẽ tiếp tục huy động tài chính khí hậu và tài chính đổi mới dưới hình thức tài trợ hỗn hợp, cũng như các loại trái phiếu xanh và trái phiếu Hồi giáo (sukuk) xanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN