Hội nghị COP26: Indonesia khẳng định cam kết chống biến đổi khí hậu

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết Indonesia sẽ tiếp tục huy động tài chính khí hậu và tài chính đổi mới dưới hình thức tài trợ hỗn hợp, cũng như các loại trái phiếu xanh và trái phiếu Hồi giáo (sukuk) xanh.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 1/11, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với sự thịnh vượng, phát triển toàn cầu và đoàn kết, đối tác, hợp tác, trong đó phối hợp toàn cầu là chìa khóa để giải quyết mối đe dọa này. Ông Jokowi khẳng định rằng với tiềm năng tự nhiên to lớn, Indonesia sẽ tiếp tục đóng góp vào việc quản lý biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland ngày 1/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Jokowi, tỷ lệ phá rừng tại Indonesia đã giảm đáng kể, thấp nhất trong 20 năm qua, trong khi các vụ cháy rừng cũng giảm 82% vào năm 2020. Bên cạnh đó, Indonesia đã khởi động công cuộc phục hồi rừng ngập mặn với diện tích 600.000 ha tới năm 2024, lớn nhất thế giới, và đã phục hồi ba triệu vùng đất xung yếu trong giai đoạn 2010-2019. Từng đóng góp tới 60% lượng khí phát thải của Indonesia, các khu vực này sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2030.

Trong lĩnh vực năng lượng, Indonesia đang tập trung phát triển hệ sinh thái ô tô điện và xây dựng nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Indonesia cũng đang khai thác các nguồn năng lượng tái tạo mới và phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp dựa vào năng lượng sạch, trong đó có dự án xây dựng khu công nghiệp xanh lớn nhất thế giới tại tỉnh Bắc Kalimantan.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Jokowi, điều này là vẫn chưa đủ. Các nước trên thế giới - đặc biệt là các nước có nhiều diện tích đất xanh, có tiềm năng được phủ xanh, và các nước có diện tích biển rộng có tiềm năng đóng góp giảm phát thải khí carbon - rất cần sự hỗ trợ và đóng góp của các quốc gia phát triển.

Tổng thống Jokowi cam kết rằng Indonesia sẽ tiếp tục huy động tài chính khí hậu và tài chính đổi mới dưới hình thức tài trợ hỗn hợp, cũng như các loại trái phiếu xanh và trái phiếu Hồi giáo (sukuk) xanh. Nhà lãnh đạo này cho rằng việc cung cấp tài chính khí hậu từ các nước phát triển là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” trong các hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh Indonesia sẽ có thể đóng góp nhanh hơn cho mục tiêu trung hòa carbon của thế giới, song câu hỏi đặt ra là đóng góp của các nước phát triển lớn đến mức nào? Công nghệ nào có thể được chuyển giao? Chương trình nào sẽ được hỗ trợ nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vốn đang bị cản trở bởi đại dịch?.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Indonesia cũng cho rằng thị trường carbon và đánh thuế carbon phải là một phần trong nỗ lực giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Theo đó, cần tạo ra một hệ sinh thái kinh tế carbon “minh bạch, toàn vẹn, bao trùm và công bằng”.

Cuối cùng, thay mặt Diễn đàn các quốc gia quần đảo và đảo (AIS), Tổng thống Jokowi nhấn mạnh Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo AIS, trong đó cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác hàng hải và hành động vì khí hậu trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Hữu Chiến (TTXVN)
5 điều nổi bật sau ngày đầu tiên của hội nghị khí hậu COP26
5 điều nổi bật sau ngày đầu tiên của hội nghị khí hậu COP26

Khoảng 120 lãnh đạo thế giới đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Scotland, Vương quốc Anh. Hội nghị đã đạt được 5 điểm nổi bật sau ngày đầu tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN