Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, tại hội nghị, các bộ trưởng nông nghiệp và đại diện nhiều quốc gia khách mời, cũng như tổ chức quốc tế đã thảo luận về những nội dung sẽ được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra vào ngày 19 và 20/11 tới tại Rio de Janeiro (Brazil).
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro đánh giá hội nghị lần này đạt kết quả tích cực, mở ra triển vọng và hướng đi mới cho nền nông nghiệp thế giới, đồng thời nhấn mạnh sau 5 năm thảo luận, đây là lần đầu tiên lĩnh vực nông nghiệp nhận được sự đồng thuận của các thành viên G20 và ra được tuyên bố chung.
Ông Favaro cho biết: “Sau 5 năm không đạt được thỏa thuận, chúng tôi đã vượt qua những khác biệt, cùng thống nhất ủng hộ sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững, toàn diện và chống lại nạn đánh bắt hải sản tận diệt. Tuyên bố này đánh dấu một hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản bền vững trên thế giới”.
Tuyên bố được Bộ trưởng Nông nghiệp các nước thành viên G20 phê duyệt bao gồm cam kết bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu bằng cách áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, nhấn mạnh vai trò canh tác hộ gia đình, của nông dân, người dân bản địa và cộng đồng truyền thống trong phát triển kinh tế nông nghiệp, sự cần thiết phải thúc đẩy thương mại quốc tế, cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Vấn đề phá rừng cũng được đề cập, trong đó tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị nhất trí nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ đa dạng sinh học trong phát triển nông nghiệp, khuyến khích thúc đẩy việc lồng ghép đánh bắt và nuôi trồng thủy sản vào chuỗi giá trị toàn cầu để đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Văn bản cũng khẳng định tầm quan trọng của các mô hình hợp tác và tài trợ để hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi sang một hệ thống thực phẩm toàn diện và hiệu quả hơn.
Hội nghị cũng ủng hộ sáng kiến hợp tác đa phương của Brazil, quốc gia giữ chức Chủ tịch G20 năm 2024, thông qua dự án có tên gọi Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, đồng thời cũng cam kết trong quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai năng lượng công bằng và bền vững, nhằm đảm bảo một hệ thống lương thực toàn cầu toàn diện và linh hoạt.