Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, hội nghị tập trung thảo luận các giải pháp tăng cường kết nối internet, mở rộng chính phủ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ phát triển bền vững, nhằm giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia thành viên G20.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Đại sứ Luciano Mazza de Andrade, Trưởng nhóm chuyên gia Kinh tế số G20, thuộc Bộ Ngoại giao Brazil, khẳng định tầm quan trọng của việc gắn kết các quốc gia với những cơ hội và thách thức của thời đại kỹ thuật số, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải dân chủ hóa việc truy cập internet, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho sự tham gia toàn diện hơn vào nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.
Đại sứ De Andrade nhấn mạnh G20 mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của kinh tế kỹ thuật số và thúc đẩy sự hội tụ giữa các quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các giải pháp. G20 nhận thức được thực tế này từ nhiều góc độ khác nhau, tập trung xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng internet, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền tiếp cận tiến bộ công nghệ đối với mọi tầng lớp và mang lại lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển.
Thứ trưởng Bộ Truyền thông Brazil, Barros Tercius, chia sẻ kinh nghiệm của nước này khi tập trung đầu tư mở rộng khả năng kết nối tất cả 138.000 trường công lập vào cuối năm 2026 thông qua chương trình Chiến lược quốc gia về kết nối học đường, thúc đẩy việc sử dụng kỹ thuật số cho mục đích giáo dục. Brazil đề xuất với các nước đang phát triển đưa ra chương trình nghị sự tập trung vào giải pháp hòa nhập kỹ thuật số hướng tới giảm nghèo và phục vụ tăng trưởng tại các nước phát triển và mới nổi.
Ông cũng nhấn mạnh quá trình số hóa ngày càng gia tăng cũng đặt ra những thách thức như nhu cầu quản lý an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu. G20 đã thảo luận về việc tạo ra các tiêu chuẩn quốc tế cho việc sử dụng các công nghệ này nhằm mục đích tăng cường niềm tin của người dân và các công ty vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Đối với các thành viên G20, chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu, nền kinh tế kỹ thuật số là một trong những động lực chính của chuyển đổi kinh tế. Ngoài việc hiện đại hóa các lĩnh vực truyền thống như thương mại, tài chính và công nghiệp, số hóa còn tạo ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và quản trị. Chìa khóa để tận dụng tối đa những cơ hội này là đảm bảo rằng tất cả các quốc gia, bất kể giai đoạn phát triển nào đều được chuẩn bị cho chuyển đổi số.