Mở đầu cuộc trao đổi, người dẫn chương trình, bà Ekaterina Ledokol, Chủ tịch Hiệp hội Trung tâm Xử lý Dữ liệu (ADPC) cho biết, lượng dữ liệu con người tạo ra đang tăng với tốc độ đáng kinh ngạc và không có dấu hiệu chậm lại. Chỉ trong hai năm qua, 90% dữ liệu của thế giới đã được tạo ra. Điều này dẫn đến đỏi hỏi phải có những công cụ mạnh để lưu giữ cũng như xử lý dữ liệu.
Bình luận về vấn đề này, ông Dmitry Aksakov, Phó Chủ tịch Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Nga (VEB.RF) đã đề xuất xây dựng trung tâm xử lý dữ liệu (DPC) tổng hợp qui mô quốc gia của nước Nga.
Theo lập luận của ông Aksakov, trước đó, các tổ chức tài chính đã xây dựng các DPC riêng, nhưng đứng trước thực tế sẽ phải xử lý các khối lượng dữ liệu khổng lồ, việc xây dựng DPC lớn sẽ hợp lý và kinh tế hơn.
Ông Aksakov cũng cho biết hiện các tổ chức này đã chuyển từ việc lập trung tâm dữ liệu riêng sang thuê hoặc mua từ các trung tâm xử lý dữ liệu lớn, từ đó xuất hiện kinh tế xử lý dữ liệu. Ngoài ra, việc phải xử lý các khối lượng dữ liệu lớn sẽ đòi hỏi các công cụ xử lý, thuật toán tốt, cũng như lượng lớn điện năng mà giải pháp nhanh và rẻ nhất chính là điện hạt nhân.
Bàn về vấn đề điện năng, ông Alexey Frolov, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển và đầu tư của Liên minh chuyển đổi số, chỉ ra rằng mức tiêu thụ điện năng sẽ ngày càng lớn. Ngoài ra, cũng cần xây dựng các DPC qui mô lớn ở các vùng lạnh để giảm tiêu thụ năng lượng. Về khía cạnh này, khu vực Bắc Cực sẽ có vai trò hữu ích đối với nước Nga.
Ông Frolov cũng thông báo công ty viễn thông TransTelecom trực thuộc tập đoàn Đường sắt Nga (RZhD), một trong những doanh nghiệp đi đầu trong xây dựng đường cáp viễn thông quang học, đã xây dựng được 83.000 km cáp quang tốc độ hơn 4 Tbit/giây. Tuyến cáp quốc gia xuyên Á-Âu của công ty có kết nối với hầu hết các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ hay Phần Lan, các nước Baltic, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
Ông cũng cho rằng để có thể làm việc với khối lượng dữ liệu lớn cần tăng đáng kể bộ nhớ đám mây cũng như hoàn thiện công nghệ lưu trữ dữ liệu phi tập trung, công nghệ nén dữ liệu và truy cập nhanh - những yếu tố rất quan trọng.
Ông Frolov lấy ví dụ lĩnh vực dữ liệu y tế, trong tương lai, dữ liệu y tế bao hàm tất cả thông tin về tình trạng sức khỏe một người, không chỉ các dữ liệu như độ tuổi, giới tính, cân nặng… mà cả một khối lượng lớn ảnh chụp độ phân giải cao. Ông cho biết hiện công ty Y tế của RZhD đang xúc tiến dự án lập trung tâm X quang của Nga để các bệnh viện và phòng khám có thể gửi kết quả hình ảnh X quang đến đó.
Ở đó, hình ảnh sẽ được xử lý bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và trả kết quả. Điều này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều vì bác sĩ không còn phải đọc hình ảnh mà các công nghệ kỹ thuật số mới được ứng dụng trong quy trình này.
Chuyển sang lĩnh vực khác, bà Ledokol cho biết, Nga là nước đứng thứ hai trên thế giới về mua sắm thiết bị khai thác tiền ảo và giới thiệu anh Nguyễn Văn Linh, nhà sáng lập công ty LeoMining. Đây là một trong những doanh nghiệp khai thác tiền ảo lớn nhất LB Nga hiện nay, kinh doanh cung cấp, lắp đặt và bảo hành thiết bị cho các xưởng khai thác tiền kỹ thuật số.
Qua trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Linh cho biết doanh nghiệp của anh thành lập năm 2017 và hiện tổng công suất khai thác tiền kỹ thuật số là 70 MW. Xưởng khai thác lớn nhất ở thành phố Brask thuộc tỉnh Irkutsk có công suất 40 MW.
Lợi thế lớn nhất của Nga trong lĩnh vực khai thác tiền ảo là giá điện, trung bình giá điện ở Nga là 0,05 USD/số điện, chỉ bằng 1/2 hay 1/3 so với Việt Nam. Ngoài ra, khí hậu mát của Nga cũng thích hợp với hoạt động đào tiền kỹ thuật số.
Theo anh Linh, sau khi Tổng thống LB Nga Vladimir Putin ký ban hành luật về tiền số, theo đó hợp pháp hóa hoạt động khai thác tiền số từ ngày 1/11/2024, khá nhiều doanh nghiệp lớn của Nga đã tiếp xúc với công ty anh để xúc tiến việc mua thiết bị và xây dựng các xưởng đào tiền ảo.
Có thể thấy qua cuộc trao đổi, để nền kinh tế có thể nắm bắt được những cơ hội phát triển mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mỗi quốc gia cần bổ sung công suất điện để có giá thành điện hợp lý, xây dựng các trung tâm xử lý dữ liệu lớn cũng như hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông, tin học và phần mềm, những yếu tố quan trọng với nền kinh tế trong tương lai.