“Mỹ và các đồng minh đã tính toán sai lầm khi ra lệnh cho Kiev ‘chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng'. Và giờ đây, họ đang phải trả giá cho điều này”, đài RT dẫn tuyên bố của ông Putin trong cuộc thảo luận chuyên đề của Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) được tổ chức tại Vladivostok hôm 5/9.
Ông Putin lưu ý các cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022 đã đưa ra dự thảo thỏa thuận có thể chấm dứt các hành động thù địch. Ở thời điểm đó, Kiev đã sẵn sàng tuyên bố trung lập về mặt quân sự, hạn chế lực lượng vũ trang và cam kết không phân biệt đối xử với người dân tộc Nga. Đổi lại, Moskva sẽ cùng các cường quốc hàng đầu khác cung cấp cho Ukraine các đảm bảo an ninh. Ông Putin cho biết thỏa thuận này vẫn có thể đóng vai trò là nền tảng cho một nền hòa bình lâu dài.
Phát biểu tại diễn đàn cùng với Tổng thống Putin, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng nhớ lại rằng khi các cuộc đàm phán đang diễn ra vào thời điểm đó, ông chắc chắn “cuộc xung đột sẽ chấm dứt”. Ông cũng bày tỏ sự đồng tình với ông Putin rằng bất kỳ thoả thuận hòa bình nào cũng phải dựa trên các đề xuất “công bằng và chính đáng”.
Theo ông Putin, lý do duy nhất khiến thỏa thuận này thất bại là “mong muốn của giới tinh hoa ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu muốn gây thất bại chiến lược cho Nga”. Đồng thời, ông nói thêm rằng Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đã đóng vai trò là sứ giả hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh mong muốn khuất phục và chia cắt Nga đã ảnh hưởng đến chính trị phương Tây trong nhiều thập kỷ và thậm chí nhiều thế kỷ. Ông cho rằng những người gây sức ép lên Kiev tin rằng họ có cơ hội thực hiện điều này.
Ông chỉ ra phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga “bằng cả trái tim, nhưng không có khối óc”, gây ra thiệt hại đáng kể cho một số quốc gia châu Âu, chủ yếu là Đức, nơi có nền kinh tế hoạt động dựa trên năng lượng của Nga.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng nói rằng mọi khoản doanh thu mà Moskva bị mất khi chuyển hướng nhiên liệu hóa thạch sang các thị trường khác đều không đáng kể so với những gì đã xảy ra với các quốc gia châu Âu, một số trong đó đang trên bờ vực suy thoái.