Vào năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giới thiệu chương trình có tên “cộng đồng phú dụ” hướng đến tái phân phối hầu hết tài sản tại nước này, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về hưởng lợi không cân đối từ phát triển kinh tế quốc gia. "Cộng đồng phú dụ", hay cộng đồng thịnh vượng chung, hướng đến đem lại bình đẳng, phân phối của cải từ đỉnh của tháp tài sản.
Tháng 1/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: “Đầu tiên chúng tôi sẽ khiến miếng bánh to hơn và chia đều nó qua các sắp xếp thể chế hợp lý. Nó tương tự như sóng biển nâng mọi con tàu, tất cả mọi người đều được cổ phần công bằng từ phát triển, và thành tựu phát triển sẽ tạo lợi ích cho tất cả mọi người theo cách bền vững, công bằng hơn”. Bắc Kinh đã khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân có thu nhập cao đóng góp nhiều hơn cho xã hội qua từ thiện và quyên góp.
Năm 2021, cụm từ “cộng đồng phú dụ” xuất hiện ở khắp nơi, từ truyền thông đến trường học và các bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong một nghị quyết được thông qua tại cuộc họp của đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa Thu năm 2021, cụm từ “cộng đồng phú dụ” được sử dụng đến 8 lần.
Gần đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng Cơ quan Quản lý Dữ liệu Quốc gia Trung Quốc đã cùng đưa ra kế hoạch mở rộng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để hỗ trợ phát triển nền kinh tế thực của Trung Quốc.
Trung Quốc có nền kinh tế số lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, chiếm 41% tổng sản phẩm quốc nội. Cơ quan Quản lý Dữ liệu Quốc gia Trung Quốc nhận định đến năm 2025, vai trò của nền kinh tế số trong thúc đẩy thịnh vượng chung được dự đoán sẽ ngày càng rõ ràng.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin Bắc Kinh hướng đến mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa các khu vực, thành thị và nông thôn, giữa các nhóm nhân khẩu học và giữa các dịch vụ công cơ bản, đồng thời cố gắng liên tục thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số
Thịnh vượng chung là một trong những trụ cột cho các mục tiêu hiện đại hóa của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết “tăng trưởng đáng kể” nhóm thu nhập trung bình của Trung Quốc trên tổng dân số vào năm 2035.
Chính sách này được coi là chìa khóa để giảm bất bình đẳng thu nhập và tránh bẫy thu nhập trung bình với tăng trưởng và thu nhập đình trệ. Chính sách này cũng tìm cách đẩy mạnh phân phối của cải công bằng hơn giữa các khu vực và xã hội, vì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã dẫn đến chênh lệch thu nhập đáng kể. Để đạt được mục tiêu đó, nền kinh tế số và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới là những lĩnh vực then chốt Bắc Kinh ưu tiên.
Kế hoạch này nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác kỹ thuật số qua đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp. Bên cạnh đó là tăng cường liên kết kinh tế số giữa các khu vực phía Tây và phía Đông phát triển hơn của Trung Quốc. Đến năm 2030, các nhà chức trách kỳ vọng sẽ có một bộ phương pháp thực hành đổi mới về hợp tác Đông-Tây sẵn sàng để nhân rộng và quảng bá trên toàn quốc.
Trung Quốc đã trải qua quá trình đô thị hóa đáng kể trong những thập kỷ gần đây, với hàng triệu người di cư từ nông thôn đến các thành phố để tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển kinh tế cũng đi kèm với chênh lệch giữa thành thị, nông thôn và giữa các nhóm dân cư.
Kế hoạch này cũng nhằm mục đích thúc đẩy tài năng kỹ thuật số và nâng cao hiểu biết về công nghệ ở khu vực nông thôn để có triển vọng việc làm tốt hơn. Những lĩnh vực trọng tâm khác sẽ là khả năng tiếp cận toàn diện hơn với các dịch vụ xã hội thông qua phương tiện kỹ thuật số, cũng như các tài nguyên giáo dục kỹ thuật số có chất lượng tốt hơn, chăm sóc y tế và người cao tuổi từ xa .