Hôm 14/9, các nước EU cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận về một số giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, các Bộ trưởng Nội vụ đã không thể đi tới một thỏa thuận thống nhất về đề xuất tái phân bộ hạn ngạch 120.000 người di cư mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere trước cuộc họp. Ảnh: AFP/TTXVN |
Slovakia và Cộng hòa Czech phản đối kế hoạch tái bố trí người di cư mới, trừ khi các bên làm rõ được nền tảng tự nguyện tiếp nhận là gì. Các nguồn tin ngoài giao cho biết, đối đầu giữa Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và đồng cấp người Slovakia Robert Kalinak đã đẩy hội nghị đi vào thế bế tắc. “Có một sự đồng thuận của đa phần các nước thành viên và chúng ta có thể thúc đẩy tiến trình… Chúng tôi hy vọng sẽ thông qua kế hoạch tại Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ ngày 8/10 tới”, ông Jean Asselborn, Bộ trưởng Nội vụ Luxembourg, nước đang giữ cương vị Chủ tịch EU phát biểu tại cuộc họp báo.
Đây được xem là diễn biến mới nhất trong một loạt “các phiên thảo luận nóng bỏng”, Cao ủy phụ trách di cư EU Dimitris Avramopoulos phát biểu trước báo giới. Trước đó, Chủ tịch EC đã chính thức phê chuẩn bản kế hoạch tái phân bổ 40.000 người di cư. Nhưng trước đề xuất có tham vọng lớn hơn thì “chúng tôi đã không đạt thỏa thuận như mong đợi. Đa phần các nước sẵn sàng thông qua, nhưng không phải là tất cả các thành viên”, ông Avramopoulos bày tỏ.
Kết luận Hội nghị nêu rõ Hội đồng đã “đồng ý về nguyên tắc phân bổ bổ hạn ngạch tiếp nhận 120.000 người di cư”, nhưng đã không đưa ra được quyết định mang tính đồng thuận. Văn bản này cũng chỉ do Chủ tịch Hội đồng châu Âu đưa ra, chứ không phải là toàn thể Hội đồng. Tuyên bố cũng không đề cập đến các quốc gia nào sẽ tiếp nhận người tị nạn từ các điểm nóng chung chuyển Italy, Hy Lạp và Hungary.
Kết cục được báo trướcPhát biểu trước báo chí ngay tại thời điểm cuộc họp các bộ trưởng còn đang diễn ra, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière thừa nhận đã không có sự đồng thuận bước ngoặt về hệ thống phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư mang tính bắt buộc. Đây được xem là bước lùi của EU trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang tràn qua châu lục, dù trước đó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo ông sẽ triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh của lãnh đạo EU nếu các Bộ trưởng Nội vụ không cho thấy “một dấu hiệu rõ ràng về tinh thần đoàn kết”. Hạn ngạch phân bổ được xem là điểm then chốt nhất trong kế hoạch mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nêu ra tại bản Thông điệp thường niên EU đọc trước Nghị viện châu Âu (EP) hồi tuần trước.
Còn tồn tại bất đồng trong nội bộ EU về cách thức xử lý khủng hoảng di cư. Ảnh: Getty Imgages |
Quyết định một ngày trước đó của Đức về tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Áo cũng làm cho phiên thảo luận của các bộ trưởng thêm phức tạp. Ông Maizière cho biết, Đức sẵn sàng giúp đỡ người tị nạn, nhưng không thể để một mình nước này phải chịu gánh nặng, khi dòng người di cư từ các nước đổ vào Đức vượt quá khả năng chịu của Berlin. Riêng tại bang Munich, tính từ cuối tháng 8 đến nay đã có tới 60.000 người tị nạn đổ về đây, gây ra tình trạng quá tải, vượt khỏi khả năng kiểm soát tình hình của lực lượng chức năng.
Ngay sau bước đi của Berlin, nhiều nước thành viên khác như Áo, Hà Lan, Slovakia cũng tạm dừng Hiệp ước Schengen, khi cho áp dụng các biện pháp kiểm soát như Đức. Hệ quả ngắn hạn đã thấy rõ: Dòng người di cư tiếp tục bị dồn ứ, khi các chuyến tàu từ Áo tới Đức ngừng chạy. Các biện pháp kiểm tra ngẫu nhiên cũng được cảnh sát Đức tiến hành tại các khu vực biên giới với Ba Lan, Cộng hòa Czech. Động thái này cũng khiến nhiều nước trong EU, đặc biệt là những nước Đông Âu, thất vọng. Họ nói rằng Đức đã hứa hẹn sẽ tiếp nhận phần lớn dòng người di cư, nhưng nay không còn theo đuổi cam kết nữa.