Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức một loạt cuộc họp về tình hình Ukraine trong tháng 2 

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Ukraine theo yêu cầu của Nga sẽ được tổ chức vào ngày 8/2 tới. 

Chú thích ảnh
Quân nhân Ukraine tại lễ chuyển giao các thiết bị quân sự và vũ khí hạng nặng tại Kiev. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN

Thông báo trên được Đại sứ Malta tại LHQ Vanessa Frazier đưa ra tại một cuộc họp báo ngày 1/2 về nhiệm kỳ Chủ tịch HĐBA LHQ của Malta trong tháng 2/2023. Tuy nhiên, bà Frazier không công bố thêm chi tiết về cuộc họp này. 

Theo hãng tin TASS (Nga), thông báo mới nhất trên đồng nghĩa với việc tháng 2 này sẽ diễn ra ít nhất 3 cuộc họp của HĐBA LHQ về Ukraine. Vào ngày 6/2, HĐBA LHQ cũng sẽ tổ chức một cuộc họp về tình hình nhân đạo ở Ukraine, theo yêu cầu của Pháp và Ecuador. Tiếp đó, một cuộc họp cấp bộ trưởng đã được lên kế hoạch cho ngày 24/2 để bàn về vấn đề hỗ trợ hòa bình và an ninh ở Ukraine. 

Hiện tại các nước phương Tây đang đẩy mạnh việc hỗ trợ quân sự và cung cấp khí tài cho Ukraine. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này sẽ huấn luyện cho 30.000 binh sĩ Ukraine - tăng gấp đôi so với con số đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái. Chương trình huấn luyện của EU đang được triển khai tại nhiều quốc gia châu Âu, với căn cứ chính tại Ba Lan - quốc gia láng giềng của Ukraine - và sẽ được hoàn tất vào trước quý II năm nay. Thông tin chính thức dự kiến sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine ở Kiev vào ngày 3/2 tới. 

Trong khi đó, Mỹ, Anh cùng một số quốc gia EU đã cam kết cung cấp xe tăng cho Kiev và huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng những phương tiện này. Kiev dự kiến sẽ nhận được 140 xe tăng từ 12 quốc gia trong đợt hỗ trợ đầu tiên.

Đánh giá về những động thái này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng việc cung cấp khí tài cho Kiev sẽ không giúp giải quyết tình hình xung đột hiện nay. 

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TRT ngày 1/2, ông Erdogan nêu rõ: “Tôi không cho rằng việc điều xe tăng (tới Ukraine) là cách tiếp cận giúp giải quyết xung đột. Chúng tôi (Thổ Nhĩ Kỳ) hy vọng các nước phương Tây sẽ ủng hộ lời kêu gọi đàm phán giữa Ukraine và Nga". Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, động thái hỗ trợ khí tài tiềm ẩn nhiều nguy cơ và "đặc biệt có lợi cho các ông trùm vũ khí".

Tại phiên họp toàn thể Hội nghị LHQ về giải trừ quân bị ngày 1/2, phái đoàn Nga cũng cảnh báo việc các nước phương Tây chuyển giao vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine có thể kéo theo sự gia tăng đáng kể nguy cơ xung đột giữa các cường quốc hạt nhân.

Duy Trinh - Thanh Phương (TTXVN)
Bị cả Mỹ và Đức từ chối, Ukraine vẫn quyết tâm thuyết phục các nước gửi chiến đấu cơ
Bị cả Mỹ và Đức từ chối, Ukraine vẫn quyết tâm thuyết phục các nước gửi chiến đấu cơ

Cho dù Mỹ và Đức đều khẳng định sẽ không gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine, nhưng giới chức nước này vẫn tăng cường chiến dịch vận động hành lang công khai để có được máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN