Theo kênh CNN, những nỗ lực đó đang bị các quan chức Mỹ và đồng minh hoài nghi. Họ cho rằng viện trợ máy bay chiến đấu là không thực tế, bởi vì đòi hỏi phía Ukraine phải được huấn luyện kỹ lưỡng và vì Nga có hệ thống phòng không rộng lớn có thể dễ dàng bắn hạ máy bay.
Điều khó hiểu hơn đối với các quan chức Mỹ là tại sao Ukraine lại công khai đề nghị các nước gửi máy bay chiến đấu F-16 như vậy, trong khi với riêng từng nước, Ukraine hiếm khi liệt kê loại máy bay này trên đầu danh sách vũ khí mong muốn.
Suốt vài tháng qua, trong các cuộc trao đổi riêng giữa các quan chức Mỹ tại Lầu Năm Góc và Nhà Trắng với phía Ukraine, máy bay chiến đấu không phải là ưu tiên của nước này. Thay vào đó, Ukraine đã tập trung nhiều hơn vào tên lửa tầm xa, đạn dược, hệ thống phòng không và xe tăng.
Tương tự ở châu Âu. Ngày 30/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết mặc dù về nguyên tắc không có gì là vượt quá giới hạn, nhưng cả Hà Lan và Pháp đều không nhận được yêu cầu chính thức nào từ Ukraine về việc gửi máy bay chiến đấu.
Ngày 30/1, khi được hỏi liệu Mỹ có cung cấp F-16 cho Ukraine hay không, Tổng thống Joe Biden đã trả lời thẳng là “không”.
Ukraine tiếp tục vận động công khai về máy bay chiến đấu dường như dựa trên cơ sở sằng khi có đủ áp lực dư luận, Ukraine cuối cùng cũng có thể có được các hệ thống vũ khí từng bị phương Tây coi là “giới hạn đỏ”.
Ngày 31/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với NPR: “Điều không thể hôm nay hoàn toàn có thể xảy ra vào ngày mai”.
Một quan chức quân đội Ukraine đã lặp lại quan điểm đó trong các bình luận với đài CNN: “Điều đó sớm muộn gì cũng xảy ra”. Ông nói thêm: “Một năm trước, mọi người đều từ chối gửi HIMARS và không ai có thể hình dung về việc gửi xe tăng Abrams”. Còn hiện tại, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine HIMARS vào năm ngoái và vừa quyết định trao cho Ukraine xe tăng chiến đấu Abrams.
Cho đến nay, sự kiên trì của Ukraine đã được đền đáp, không chỉ thành công trong thuyết phục Đức và Mỹ gửi xe tăng hạng nặng, mà vào tháng 12/2022, sau nhiều tháng chịu áp lực của Ukraine, Mỹ cuối cùng đã đồng ý gửi một khẩu đội phòng không Patriot – một hệ thống mà Mỹ từng coi là quá khó, không thể chuyển giao và vận hành.
Một năm tranh cãi về vấn đề viện trợ F-16
Các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng gửi máy bay chiến đấu F-16 là không thực tế, rằng Ukraine đã không thực hiện nhiều nhiệm vụ trên không với các máy bay chiến đấu mà họ đã có vì mối nguy hiểm do hệ thống phòng không của Nga gây ra.
Ngay từ đầu cuộc xung đột, Mỹ đã cho rằng cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu mới sẽ gây nguy cơ leo thang căng thẳng giữa NATO và Nga.
Tháng 3 năm ngoái, Ba Lan đã sẵn sàng chuyển các máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine với điều kiện Mỹ đồng ý cung cấp F-16 cho Ba Lan. Tuy nhiên, Mỹ cuối cùng đã quyết định bác kế hoạch đó, cho rằng kế hoạch này quá khiêu khích.
Từ đó, quan điểm của Mỹ đã thay đổi. Mỹ bớt lo ngại về leo thang căng thẳng mà lo nhiều hơn về các thách thức hậu cần trong chuyển giao F-16. Mặc dù Lầu Năm Góc không loại trừ thẳng việc gửi F-16 tới Ukraine, nhưng các quan chức coi đây là một đề xuất dài hạn, có thể được tính theo mốc thời gian hàng năm thay vì hàng tháng.
Trong khi đó, Mỹ không có dấu hiệu phản đối các quốc gia khác gửi F-16 tới Ukraine. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ cho rằng Mỹ gửi F-16 của mình sẽ tốn kém và phức tạp, khi Ukraine có các nhu cầu cấp thiết về hệ thống pháo, tên lửa và phòng không.
Nhưng các quốc gia châu Âu có F-16 và các loại máy bay chiến đấu khác dường như không sẵn sàng chuyển cho Ukraine bây giờ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần như đã loại trừ hoàn toàn khả năng này vào tuần trước. Ông nói: “Sẽ không có việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. Điều này đã được làm rõ từ rất sớm, kể cả từ Tổng thống Mỹ”.
Trong khi đó, Anh cho rằng các máy bay chiến đấu cực kỳ tinh vi và phải mất nhiều tháng học cách lái. Do đó, gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine là không thực tế.
Thủ tướng Hà Lan Rutte cũng tỏ ra miễn cưỡng, nói với các phóng viên rằng việc gửi máy bay thực sự sẽ là một bước tiến lớn tiếp theo. Còn Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói sẽ chỉ gửi các máy bay chiến đấu khi phối hợp đầy đủ với các đối tác NATO.
Phía Ukraine dường như không nản lòng. Ngày 31/1, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói Ukraine cần máy bay chiến đấu trước tiên và quan trọng nhất, cùng với các tên lửa tầm xa: “Các đối tác của chúng tôi nhận thức được các loại vũ khí mà chúng tôi cần. Trước hết là máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 300km. Đây không phải là vũ khí gây leo thang, mà là vũ khí phòng thủ và răn đe. Chúng tôi đang tích cực đàm phán để thực hiện tất cả giải pháp này. Tôi đã chỉ thị cho tất cả nhà ngoại giao ở các nước quan trọng phải ưu tiên điều này”.