Theo trang Defense Express, các nhà báo của đài truyền hình Hà Lan NOS và Nieuwsuur mới đây đã công bố một cuộc điều tra chung về việc Nga nhận các vi mạch điện tử (chip) từ Hà Lan để sản xuất vũ khí. Đặc biệt, các con chip do các công ty NXP và Nexperia của Hà Lan sản xuất đã được tìm thấy trong thiết bị tên lửa hành trình của Nga, trong trực thăng tấn công Ka-52, "một loại pháo tự hành" (có thể là 2S19 Msta-SM2 ) và một trong những máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất.
Theo ước tính của Viện nghiên cứu RUSI (Anh), các con chip có nguồn gốc từ Hà Lan chiếm ít nhất 10/27 vị trí quan trọng trong danh mục thiết bị điện tử lưỡng dụng của Nga.
Các tác giả của cuộc điều tra nói rằng ít nhất "vài trăm chuyến hàng" thiết bị điện tử từ Hà Lan trong năm 2022 đã được gửi tới ba doanh nghiệp thuộc khu liên hợp công nghiệp quân sự của Nga, nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây. Nhưng điều đáng lưu ý là Nga nhập khẩu vài triệu con chip mỗi tháng, và một số trong đó cuối cùng đã được đưa tới ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Các tác giả cuộc điều tra chung của NOS và Nieuwsuur tuyên bố rằng chỉ trong tháng 11/2022, Nga đã nhập khẩu 2 triệu con chip, trong đó có 60.000 con chip, chiếm 6%, là do NXP và Nexperia của Hà Lan sản xuất. Họ vẫn chưa rõ một tỉ lệ như thế nào của các thiết bị điện tử này được sử dụng để sản xuất vũ khí phục vụ cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như bao nhiêu trong đó được sử dụng để sản xuất các sản phẩm dân sự.
Các nhà điều tra chắc chắn rằng dòng hàng điện tử nhập khẩu vào Liên bang Nga vẫn ở mức cao bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo họ, một quốc gia khác đã đóng vai trò “trung gian”, nhập khẩu các thiết bị điện tử của châu Âu với số lượng lớn, sau đó “chuyển tiếp” sang Nga. Đồng thời, để thực hiện việc giao hàng một cách bí mật, các con chip có thể được vận chuyển nói chung như hàng hóa "thông thường" của các nhà khai thác bưu chính quốc tế.
Bên cung cấp thiết bị điện tử bất hợp pháp lợi dụng thực tế là để xem xét khả năng lách các biện pháp trừng phạt, các quan chức châu Âu phải thực hiện hàng chục lần kiểm tra chỉ trên một lô hàng để chặn nó.
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp của Hà Lan được phỏng vấn bởi các nhà điều tra thuộc NOS và Nieuwsuur thừa nhận rằng nhà chức trách có thể làm nhiều hơn nữa để ngăn người Nga có thiết bị điện tử phục vụ sản xuất thiết bị quân sự của họ. Ví dụ, các công ty Hà Lan có thể kiểm tra người mua hàng của họ kỹ lưỡng hơn. Và nếu bên trung gian vi phạm các điều khoản của hợp đồng, bán lại vi mạch cho Nga, thì họ cũng bị dừng hợp đồng.