Theo tờ Politico, nhà báo Chris Pocock đã đăng hình ảnh trên ngày 21/2 và đặt câu hỏi liệu bức ảnh này có thật hay không.
Sau đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với các phóng viên: “Tôi đã thấy thông tin đó. Tôi có thể xác nhận tính xác thực của hình ảnh”.
Kênh CNN lần đầu tiên đưa tin về bức ảnh và bức ảnh nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong giới quân sự Mỹ.
Mỹ đã điều máy bay giám sát tầm cao khi khinh khí cầu đi qua Mỹ và sau đó, Lầu Năm Góc viện dẫn hình ảnh này để nói rằng chiếc khinh khí cầu có khả năng thực hiện các hoạt động thu thập thông tin tình báo tín hiệu.
Một máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ đã bắn quả khinh khí cầu vào ngày 4/2 và phía Mỹ đã trục vớt phần lớn các mảnh vỡ.
Lầu Năm Góc đã kết thúc các hoạt động tìm kiếm mảnh vỡ trong khu vực ngoài khơi Nam Carolina vào tuần trước.
Sau sự cố khinh khí cầu Trung Quốc ban đầu, ba vật thể không xác định khác bay qua Bắc Mỹ đã bị các lực lượng Mỹ bắn chỉ trong vòng hơn một tuần. Những vật thể đó không phải từ Trung Quốc và không đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã tiết lộ rằng họ đã quan sát thấy những quả khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Trung Đông và Afghanistan trong những năm gần đây.
Tổng thống Joe Biden đã bị các thành viên đảng Cộng hòa chỉ trích vì cách chính quyền xử lý sự cố khinh khí cầu Trung Quốc, chờ đợi cho đến khi nó ở trên mặt biển rồi mới bắn hạ. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã thông qua các nghị quyết lên án Trung Quốc về vụ khinh khí cầu.
Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bên lề Hội nghị An ninh Munich vào tuần trước để nói về vụ khinh khí cầu. Ông cho biết Trung Quốc không xin lỗi về vụ việc.
Về phần mình, ông Vương Nghị đã công khai lên án Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich về phản ứng của Mỹ đối với khinh khí cầu mà nước này khẳng định là khinh khí cầu thời tiết bay lạc vào không phận Mỹ.