Hình ảnh về loại sếu tại tỉnh Gangwon của Hàn Quốc. Ảnh: The Korea Heald
Vùng đệm này được đánh dấu về phía Nam của Hàn Quốc bằng Đường kiểm soát dân sự (CCL) và chiếm khoảng 1% tổng diện tích đất liền của Hàn Quốc. Chính sự hạn chế hoạt động của con người đã biến nơi đây thành khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt, là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có sếu – một trong những loài chim đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Vào tháng 1 vừa qua, dọc biên giới liên Triều, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy khoảng 2.600 con sếu đầu đỏ và 10.000 con sếu gáy trắng. Những con số này tương đương với 57% và 71% tổng số cá thể của hai loài trên toàn cầu. Riêng tại Cheorwon thuộc tỉnh Gangwon, khoảng 1.500 con sếu đầu đỏ và 7.200 con sếu gáy trắng đã được ghi nhận, biến khu vực này trở thành một trong những nơi tập trung đông nhất loài sếu trên thế giới.
Hành trình khám phá nơi cư trú của loài sếu
Để tận mắt chứng kiến những đàn sếu khổng lồ này, du khách có thể tham gia các chuyến tham quan xuất phát từ một ngôi làng tại Khu phi quân sự cách Seoul khoảng 2 giờ lái xe. Chuyến đi bắt đầu bằng việc vượt qua một trạm kiểm soát quân sự, nơi du khách được thông báo về các quy định nghiêm ngặt, trong đó có việc cấm chụp ảnh các cơ sở quân sự. Tại đây, mọi người có thể nghe tiếng loa phát thanh từ phía Triều Tiên.
Sau khi vượt qua trạm kiểm soát, khung cảnh trước mắt mở ra một vùng đồng bằng rộng lớn, yên bình với những cánh đồng do nông dân địa phương canh tác. Trên các cánh đồng, những đôi sếu đứng bên nhau – đặc tính của sự gắn kết bền chặt giữa các cặp đôi của loài chim này. Thỉnh thoảng, người ta cũng có thể thấy ba con sếu "sánh bước" cùng nhau, trong đó có một con non.
Ông Lee Bong-woo, một hướng dẫn viên du lịch, cho biết rằng mỗi cánh đồng ở đây giống như một ngôi nhà riêng của từng cặp sếu. Một số nhóm sếu lớn hơn bao gồm những con nhỏ tuổi hơn, tụ tập cùng nhau. Tuy chia sẻ về lãnh thổ nhưng chúng không tranh giành hay gây chiến với nhau.
Điều đáng ngạc nhiên là những con sếu không hề sợ hãi khi xe buýt điện của du khách tiến lại gần. "Khi các chuyến du lịch bắt đầu vào năm 2022, sếu thường bay đi ngay khi thấy xe buýt. Nhưng giờ đây, chúng dường như đã quen thuộc và không còn xem đó là mối đe dọa", ông Lee cho biết. Sếu là loài chim thông minh, có khả năng giao tiếp với nhau bằng hơn 60 âm thanh và cử chỉ khác nhau.
Tại sao Cheorwon lại trở thành điểm đến lý tưởng của sếu?
Hàng năm, vào tháng 3 hoặc tháng 4, sếu làm tổ và sinh sản ở vùng đất ngập nước dọc sông Amur, Nga. Đến tháng 10, chúng di cư đến các khu vực ấm hơn như Ganghwa, Paju, Yeoncheon và đặc biệt là Cheorwon, trước khi quay trở lại Nga vào mùa xuân.
Cheorwon hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để sếu sinh sống. Các con sông ở đây không bị đóng băng vào mùa đông, hồ chứa nước cung cấp nơi trú ẩn an toàn khỏi các loài săn mồi và các cánh đồng rộng lớn dồi dào thức ăn. Bên cạnh đó, môi trường trong lành, ít hóa chất giúp loài sếu tránh được các tác nhân gây hại.
Chính quyền địa phương cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm bảo vệ loài chim này thông qua việc khuyến khích nông dân giữ lại rơm rạ trên cánh đồng sau mùa thu hoạch để làm nguồn thức ăn cho sếu. Đổi lại, nông dân sẽ nhận được khoản trợ cấp lên tới 1,1 tỷ won mỗi năm, với điều kiện không cày ruộng hay dùng phân bón dạng lỏng. Ngoài ra, chính phủ cũng rải thêm hạt ngô và lúa để đảm bảo nguồn thức ăn cho sếu.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã bắt đầu ảnh hưởng đến vùng đất này. Mùa hè năm 2024 kéo dài khiến lúa nảy mầm sớm, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn thức ăn tự nhiên cho sếu. Ông Lee Gye-ok, quản lý bộ phận môi trường sếu của khu vực này, lo lắng: "Tôi nghĩ rằng năm nay, lũ sếu sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thức ăn".
Mối đe dọa từ hoạt động của con người
Dù Cheorwon vẫn là thiên đường của sếu, nhưng vùng đất này cũng đang đối mặt với những thách thức lớn từ con người. Một trong những vấn đề đáng lo ngại là gia tăng các nhà kính nông nghiệp. Trước đây, phần lớn đất đai được sử dụng để trồng ngũ cốc, nhưng hiện nay nhiều nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác trong nhà kính, kéo theo đó là hệ thống dây điện chằng chịt.
“Khi sếu bay ở tốc độ cao, chúng có thể không kịp né tránh dây điện, dẫn đến những vụ va chạm khiến chúng thiệt mạng. Để giảm thiểu rủi ro, chúng tôi đã lắp đặt các biển cảnh báo màu vàng trên dây điện để giúp chim nhận biết rõ hơn”, ông Lee giải thích.
Một vấn đề khác là gia tăng các dự án điện mặt trời. Các tấm pin mặt trời không chỉ làm thay đổi luồng gió quan trọng đối với hành trình di cư của sếu mà còn tạo ra ánh sáng chói, gây rối loạn thị giác của chúng. Hơn nữa, các khu vực được lắp đặt tấm pin thường không còn phù hợp để làm nơi trú ngụ của sếu.
Trong thập kỷ qua, hơn 700 dự án điện mặt trời đã được phê duyệt tại Cheorwon, gây lo ngại về tác động lâu dài đối với hệ sinh thái.
Ông Yoo Jong-hyun, người đứng đầu Hiệp hội sếu Cheorwon, nhấn mạnh: "Những người bên ngoài đang khai thác vùng nông thôn chỉ vì lợi nhuận mà không quan tâm đến môi trường và cộng đồng địa phương. Điều này đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng".
Dù đang nỗ lực cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế, nhưng nếu không có biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn, thiên đường cuối cùng của loài sếu tại Cheorwon có thể sẽ không còn tồn tại. Ông Lee cảnh báo: “Nếu Cheorwon sụp đổ, loài sếu sẽ biến mất khỏi Trái Đất, giống như khủng long vậy”.