Thời gian 4 cá thể sếu đầu đỏ đáp xuống bãi ăn là khoảng 30 phút. Sau đó, đàn sếu bay về hướng phân khu A4. Lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi 24/24 giờ tại bãi ăn khu A5 và các phân khu khác (nơi sếu từng kiếm ăn) cũng như các vùng lận cận, để giám sát và có định hướng quản lý phù hợp; đồng thời, phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra xung quanh các tuyến đê nhằm ngăn chặn người dân vào đánh bắt ong, khai thác tài nguyên bên trong, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia tăng cường bổ sung thêm nguồn thức ăn phụ (lúa) cho sếu đầu đỏ khi quần thể sếu đã ổn định, nhằm thu hút các cá thể sếu về đông hơn. Đơn vị đang tiếp tục thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi hệ sinh thái (theo các nội dung của Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim), tạo điều kiện thuận lợi cho sếu đầu đỏ đến kiếm ăn.
Lần gần đây nhất ghi nhận sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim vào năm 2021 và chỉ có 3 cá thể. Sếu đầu đỏ là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ; là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và của tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Tháng 11/2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 184 tỷ đồng. Mục tiêu chung của đề án là phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Cụ thể, trong vòng 10 năm (từ năm 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia.
Việc phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim mang lại nhiều ý nghĩa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đàn sếu đầu đỏ của khu vực hạ lưu sông Mê Công vốn đang đối diện với khả năng bị tuyệt chủng.