Quang cảnh cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran, Iran ngày 3/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố của HĐBA không nhắc đến vụ hành quyết trên, song kêu gọi Iran bảo vệ các nhân viên và cơ sở ngoại giao. Tuyên bố viết: "Các thành viên HĐBA lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất các vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Vương quốc Saudi Arabia ở Tehran và Tổng lãnh sự quán của nước này ở Mashhad, dẫn đến những hành động xâm phạm các cơ sở ngoại giao này và gây thiệt hại nghiêm trọng". HĐBA lo ngại sâu sắc trước các diễn biến như vậy và kêu gọi hai bên duy trì đối thoại, cũng như có những bước đi nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vì vụ tấn công trên. Trong một diễn biến khác cùng ngày 4/1, Saudi Arabia cho biết sẽ khôi phục quan hệ với Iran nếu Tehran ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Trả lời phỏng vấn báo giới, Đại sứ Saudi Arabia tại LHQ Abdallah al-Mouallimi cho biết: "Nếu Iran chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, trong đó có Saudi Arabia, chúng tôi sẽ bình thường hóa quan hệ với Iran". Ông al-Mouallimi cũng nhấn mạnh rằng Saudi Arabia không phải là kẻ thù "bẩm sinh" của Iran.
Trước đó, ngày 3/1, phái đoàn ngoại giao của Saudi Arabia tại LHQ khẳng định tất cả 47 bị cáo khủng bố bị tử hình vừa qua đã được xét xử công bằng, không không phân biệt giáo phái, tín ngưỡng hay sắc tộc. Phán quyết của tòa án đối với họ dựa trên các hành động phạm tội và phạm pháp của họ. Riyadh cũng bày tỏ "rất tiếc" trước tuyên bố của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trong đó bày tỏ "thất vọng" về việc thi hành án tử hình của Saudi Arabia.
Căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia - quốc gia có đa số dân theo dòng Hồi giáo Sunni - leo thang sau khi Riyadh xử tử 47 người với tội danh khủng bố, trong đó có giáo sĩ Nimr al-Nimr bị buộc tội đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng biểu tình bùng phát ở miền Đông Saudi Arabia năm 2011. Sự việc này đã làm dấy lên làn sóng phản đối ở các quốc gia theo dòng Shiite trong khu vực, cũng như khiến nhiều nước trên thế giới lo ngại.