Hành động để chống nạn bạo hành phụ nữ

Nhân dịp kỉ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1913-8/3/2013), Liên hợp quốc đã chọn chủ đề “Lời hứa chỉ là lời hứa: Đã đến lúc hành động để chấm dứt bạo hành chống phụ nữ” để xác định mục tiêu cho các hoạt động năm nay. Mặc dù đã được lựa chọn từ vài năm trước, song chủ đề này có tính thời sự cao sau các vụ bạo hành phụ nữ gần đây gây chấn động dư luận quốc tế.


Vấn nạn toàn cầu


Ngày 8/3 hằng năm luôn là dịp để Cơ quan Liên hợp quốc về phụ nữ (UN Women), có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) tôn vinh những thành tựu mà phái nữ đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong năm qua, cũng như kêu gọi thế giới cùng chung tay thúc đẩy bình đẳng giới và đóng góp giải pháp ngăn chặn vấn nạn bạo lực với phụ nữ. UN Women cho biết tại một số quốc gia có tới 70% phụ nữ phải đối mặt với tình trạng bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc sống thường ngày. Ngay tại một số nước như Ôxtrâylia, Canađa, Ixraen, Nam Phi và Mỹ, khoảng 40-70% nữ nạn nhân bị sát hại là do chính người bạn đời của họ gây ra. Một điều đáng buồn nữa hiện nay vẫn có khoảng 140 triệu bé gái đang là nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, buôn bán trẻ em cũng như nạn tảo hôn.

Một nhóm phụ nữ Nam Phi biểu tình đòi quyền lợi trước cửa phiên tòa xử Oscar Pistorius hôm 19/2.Ảnh: Barcroft Media


Phát biểu tại phiên khai mạc phiên họp thường niên của “Ủy ban Liên hợp quốc vì vị thế phụ nữ” ngày 4/3 vừa qua, Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson khẳng định: “Việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và bé gái là một vấn đề sống còn. Vấn đề này đã lan rộng khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia ổn định và phát triển nhất”.


Ông Eliasson cũng nhấn mạnh LHQ sẽ áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, từ yêu cầu chính phủ các nước thực thi chính sách tăng quyền cho phụ nữ và trừng trị những kẻ vi phạm; đến tạo ra văn hóa bình đẳng trách nhiệm trong gia đình giữa nam và nữ.


“Lời hứa chỉ là lời hứa”


Nhân dịp kỉ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 2013, tờ Guardian của Anh đã tập hợp một số ý kiến về nữ quyền của các chị em trên khắp thế giới.

Khi nghe tôi kể về Tổng thống Ôxtrâylia Julia Gillard muốn kết hôn với người làm tóc của mình thì chồng tôi nói: “Thế giới đã bị đảo ngược. Một nữ tổng thống muốn lấy thợ làm tóc”. Trong khi đó, các con trai của tôi lại hỏi: “Điều đó có gì sai hả mẹ?”. Tôi thấy mừng vì đây là dấu hiệu tích cực cho thấy việc phân biệt giới tính đã thay đổi trong suy nghĩ của thế hệ sau - bà Jasmin Galace, làm việc tại Trung tâm giáo dục hòa bình Quezon, Philíppin.

 

Chưa bao giờ có nhiều bé gái Ápganixtan được đến trường như những năm gần đây. Nhưng tôi không dám chắc sự tiến bộ này có kéo dài được lâu hay không, chừng nào chính phủ cũng như cộng đồng quốc tế chưa đưa ra được những giải pháp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ bền vững hơn - cô Shaharxad Akbar, người phụ nữ Ápganixtan đầu tiên tốt nghiệp Đại học Oxford (Anh).

 

Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay diễn ra trong bối cảnh dư luận thế giới chưa hết bức xúc về tình trạng bạo hành đối với nữ giới diễn ra liên tục trong thời gian gần đây, điển hình là cái chết thương tâm của một nữ sinh viên y khoa người Ấn Độ và cô người mẫu xinh đẹp Reeva Steenkamp người Nam Phi.


Tháng 12 năm ngoái, không chỉ người dân tại đất nước Ấn Độ mà cả cộng đồng thế giới đã phải rúng động trước cái chết thương tâm của cô nữ sinh viên y khoa tài năng. Ngày 16/12/2012, khi cô đang đi xe buýt về nhà cùng với bạn trai thì bị sáu người đàn ông đánh đập và cưỡng hiếp ngay trên xe. Sau đó, sáu đối tượng đã đẩy cô gái ra khỏi xe, bỏ mặc cô giữa đường với thân thể đầm đìa máu. Khoảng hai tuần sau, cô qua đời tại một bệnh viện ở Xinhgapo vì những chấn thương nghiêm trọng. Vụ việc này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng Ấn Độ mà đỉnh điểm là các cuộc biểu tình quy mô lớn yêu cầu chính phủ tăng cường biện pháp bảo vệ phụ nữ cũng như củng cố hệ thống luật pháp hiện hành nhằm trừng phạt nghiêm khắc hơn những kẻ phạm tội.


Mới đây nhất, một vụ sát hại phụ nữ nghiêm trọng đã xảy ra tại thành phố Prêtôria, Nam Phi mà hung thủ và nạn nhân đều rất nổi tiếng. Cô người mẫu tóc vàng xinh đẹp Reeva Steenkamp và vận động viên điền kinh khuyết tật Oscar Pistorius từng là một cặp đôi trai tài gái sắc trong “thế giới sao”. Họ được ví như một phiên bản thứ hai của đôi vợ chồng David và Victoria Beckham, hạnh phúc và có sự nghiệp cá nhân đang phát triển hết sức thuận lợi. Thế nhưng, vào sáng sớm Ngày lễ tình nhân 14/2 vừa qua, Pistorius đã “tặng” cho người bạn gái bốn phát đạn khiến nạn nhân gục chết trong vũng máu. Trước khi bị bắn chết bốn ngày, Steenkamp đã chia sẻ sự bất bình của cô về nạn bạo hành phụ nữ tại Nam Phi trên trang mạng xã hội Twitter và cũng bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào Pistorius. Trớ trêu thay, sinh mạng của cô lại do chính tay người đàn ông mà cô tin yêu cướp đi cũng tại chính căn nhà mà cô từng cho là an toàn, hạnh phúc.


Những vụ án thương tâm nói trên đã dấy lên một làn sóng biểu tình trên khắp thế giới yêu cầu chấm dứt nạn bạo lực, đòi lại sự an toàn cho phụ nữ. Theo lời của Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson, bạo lực đã “đe dọa đến sự an toàn của nữ giới từ vùng ngoại ô tới nơi thành thị, từ nơi công cộng tới nhà riêng”. Với khẩu hiệu năm nay chứa cụm từ “lời hứa chỉ là lời hứa”, dường như LHQ đã nhìn thấy bài toán bạo hành với phụ nữ chưa thể sớm có lời giải nếu như các nước không kiên quyết hành động.

Hoàng Trang

 

 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN