Hãng Bloomberg dẫn lời một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu với điều kiện giấu tên cho biết gần 2 triệu tấn dầu, hay khoảng 15 triệu thùng dầu, đang bị giữ lại tại eo biển Bosphorus và Dardanelles vì không có đủ giấy tờ bảo hiểm theo quy định áp trần giá dầu mới.
Hai tuyến đường thủy này là những nút thắt quan trọng đối với dòng chảy của dầu thô và các mặt hàng khác vận chuyển từ Biển Đen. Trong năm qua, gần 700 triệu thùng dầu đã được vận chuyển qua khu vực này.
Trước đó, dữ liệu theo dõi tàu thuyền của Bloomberg cho biết 26 tàu chở dầu xuất phát từ Kazakhstan đã phải nằm chờ đợi ở ngoài khỏi Thổ Nhĩ Kỳ cùng với khoảng 23 triệu thùng nhiên liệu. Tuy nhiên, phía chính quyền Kazakhstan lại công bố con số thấp hơn.
Từ cuối tháng 11, giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo các tàu chở dầu đi qua vùng biển của nước này sẽ phải cung cấp đầy đủ giấy tờ bảo hiểm phù hợp và chờ đợi Ankara xác minh giấy tờ. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia nhất trí áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng kể từ ngày 5/12.
Các quan chức Mỹ và Anh đang thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xem xét lại yêu cầu về bằng chứng bảo hiểm, đặc biệt khi các hàng hóa từ Kazakhstan không phải chịu lệnh trừng phạt. Song cho đến nay, họ vẫn chưa thể đàm phán thành công.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal rằng chương trình này chỉ áp dụng cho dầu có nguồn gốc từ Nga và không cần kiểm tra thêm.
Hãng thông tấn TASS cho biết toàn bộ tàu chở dầu và hàng hóa của Kazakhstan đã được bảo hiểm và các công ty cung cấp bảo hiểm - chủ yếu là các công ty bảo hiểm của Anh - đang đàm phán với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Magzum Mirzagaliev, giám đốc điều hành của nhà sản xuất quốc gia NC KazMunayGas ước tính rằng chỉ có 8 - 10 tàu chở dầu bị mắc kẹt ở eo biển Thổ Nhĩ Kỳ là có liên quan đến Kazakhstan.
Báo cáo của cơ quan quản lý cảng địa phương cho biết chỉ có một tàu chở dầu có tên Vladimir Tikhonov đi qua eo biển này kể từ khi quy định mới của Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực. Tác động từ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các tàu chở dầu thô của Kazakhstan là một ví dụ ban đầu cho thấy các biện pháp trừng phạt và cơ chế giá trần với dầu Nga có thể làm gián đoạn các chuyến hàng dầu thô hợp pháp.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và Australia đã nhất trí áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng kể từ ngày 5/12. Cũng từ thời điểm này, lệnh cấm mua dầu thô của Nga do EU áp đặt chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, các nước trên cũng dự kiến áp giá trần đối với các sản phẩm từ dầu từ ngày 5/2/2023, với các thông số sẽ được thiết lập sau.