Tính đến chiều 26/12, khu vực bị lũ lụt nặng nề nhất là Sumur, Labuan, Pandeglang, tỉnh Banten, đây cũng là khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất của sóng thần.
Nước lũ có nơi ngập hơn 1m khiến cho đời sống người dân và mọi hoạt động khắc phục hậu quả sóng thần càng thêm khó khăn. Cảnh sát đã huy động hàng trăm nhân lực tiếp tục giúp người dân sơ tán.
Anh Andri, người dân ở bãi biển Carita cho biết, mưa liên tục những ngày qua, sáng nay, nước đã dâng lên gần 1m, sau sóng thần, người dân ở đây tiếp tục gặp khó khăn vì lũ lụt.
Theo Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BPBD) của Pandelang, tỉnh Banten, trận lụt này xuất phát từ thủy triều dâng cao đã khiến dòng sông Cipunteun Agung bị ảnh hưởng dâng nước lên.
Tại đây, các khu vực bị ngập lụt tồi tệ nhất là hai xã Teluk và Kalanganyar, cách bãi biển khoảng 200 mét.
Do ảnh hưởng của lũ lụt, hơn 600 ngôi nhà trong khu vực, gồm các làng Keusik, Umbul Jaya, Cidahu… đã bị chìm trong nước.
Cơ quan BPBD đang khẩn trương tiến hành thu thập dữ liệu và nỗ lực ưu tiên cứu người, sau đó hàng cứu trợ gồm quần áo và thực phẩm hỗ trợ sẽ tiếp tục được gửi đến khu vực bị ảnh hưởng để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân.
Bộ trưởng Xã hội, Agus Gumiwang khẳng định, Bộ đã chuẩn bị ngân sách đủ để tiến hành các hoạt động hỗ trợ cần thiết và trong thời gian ứng phó khẩn cấp kéo dài 14 ngày, tất cả các nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng bởi sóng thần sẽ được Bộ Xã hội đáp ứng.
Một số bếp ăn tập thể được thiết lập để cũng cấp các suất ăn cho người dân vùng thiên tai, không để người dân bị đói.
Ngoài đáp ứng các nhu cầu về hậu cần, chính quyền địa phương cũng kêu gọi người dân không tin vào những tin tức sai lệch, mà theo dõi nguồn thông tin chính thức, tránh những tâm lý hoang mang trong dư luận.
BPBD cũng công bố, tính đến 13h ngày 26/12, số nạn nhân bị thiệt mạng do sóng thần tấn công vào Banten và Lampung là 430 người. Ngoài ra, có 495 người bị thương, 159 người mất tích và 21.991 người đã phải di dời.