Vẫn bị ám ảnh bởi nỗi kinh hoàng do thảm họa sóng thần, cụ ông Atok Sukani 80 tuổi đã cùng 12 thành viên trong gia đình tới trại tị nạn ở Pandeglang, tỉnh Banten do lo sợ một trận sóng thần khác có thể tấn công ngôi làng Caringin nơi ông sinh sống bất cứ lúc nào. Cụ Atok Sukani chia sẻ một trong những người con trai của cụ đã chết khi ở lại bảo vệ tài sản gia đình khi trận sóng thần ập tới. Do đó, cụ khẳng định gia đình cụ sẽ không trở về cho tới khi nhà chức trách xác nhận mối nguy hiểm sóng thần đã qua.
Cùng chung suy nghĩ với cụ Sukani, cô Arawanah cùng chồng và 2 con nhỏ cũng lựa chọn ở lại trại tị nạn thay vì trở về nhà. Mặc dù được chu cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, song người mẹ 26 tuổi này bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ đẩy nhanh việc cung cấp sữa cũng như các vật dụng thiết yếu cho trẻ sơ sinh.
Thảm họa sóng thần tối 22/12 là đợt sóng thần thứ 3 tấn công Indonesia trong 6 tháng qua. Theo BMKG, núi lửa Anak Krakatoa phun trào đã gây ra một vụ sụt lở dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao bất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này. Những trận sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh báo, tuy nhiên, sóng thần lần này xảy ra do núi lửa phun trào nên không được phát hiện và cảnh báo kịp thời.
Theo các số liệu mới nhất, số người thiệt mạng trong thảm họa sóng thần tàn phá khu vực xung quanh eo biển Sunda lên tới 429 người, trong khi 1.485 người bị thương. Ngoài ra, hiện vẫn còn ít nhất 154 người mất tích. Có thể nhiều nạn nhân vẫn đang bị vùi lấp trong đống đổ nát.
Tuy nhiên, nhà chức trách Indonesia mới cảnh báo thời tiết cực đoan vẫn có thể gây ra các vụ sụt lở tại eo biển Sunda nằm giữa các đảo Java và Sumatra, làm tăng nguy cơ xảy ra thêm các đợt sóng thần mới sau thảm họa sóng thần vừa qua liên quan tới hoạt động núi lửa Anak Krakatoa.
Cụ thể, tối 25/12, Cơ quan Địa vật lý và Khí tượng Indonesia (BMKG) đưa ra cảnh báo nguy cơ sóng thần tại eo biển Sunda vẫn hiện hữu trong bối cảnh những rung lắc vẫn đang tiếp diễn tại sườn núi lửa Anak Krakatau. Phát biểu họp báo, người đứng đầu BMKG Dwikorita Karnawati nhấn mạnh việc núi lửa Anak Krakatau tiếp tục hoạt động tăng cường kết hợp với thời tiết cực đoan như mưa to và những cột sóng cao tại eo biển Sunda có thể dẫn tới sụt lở sườn núi lửa xuống biển, từ đó có thể gây ra một trận sóng thần tương tự trận sóng thần xảy ra hôm 22/12 vừa qua.
Trước tình hình trên, BMKG kêu gọi người dân duy trì cảnh giác, tránh xa khu vực bờ biển ít nhất 500m tới 1km. Cơ quan này cũng sẽ cung cấp các ứng dụng di động có tên InfoBMKG và MAGMA Indonesia để người dân có thể trực tiếp theo dõi các hoạt động của núi lửa Anak Krakatau cũng như tình hình khẩn cấp tại eo biển Sunda qua các thiết bị điện tử. Ngoài ra, BMKG vẫn sẽ liên tục cập nhật các thông tin mới nhất liên quan tới nguy cơ sóng thần trên mạng xã hội.