Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc một thập kỷ trước đây. Chính phủ Sri Lanka đã ban bố lệnh giới nghiêm, có hiệu lực ngay lập tức và vô thời hạn. Hiện chưa có tổ chức hay cá nhân nào thừa nhận tiến hành vụ việc.
Vụ tấn công trên xảy ra vào đúng ngày lễ Phục sinh của Thiên Chúa giáo. Tổng Giám mục Colombo, Hồng y Giáo chủ Malcolm Ranjith kêu gọi Chính phủ Sri Lanka tiến hành điều tra và trừng phạt mạnh tay những đối tượng chịu trách nhiệm về vụ việc.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã triệu tập họp khẩn giới chức cấp cao quân đội và cho biết "chính phủ đang tiến hành các bước đi khẩn cấp để giải quyết tình hình".
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục lên án loạt vụ tấn công. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker bày tỏ "đau buồn và ghê rợn" khi nghe tin về loạt vụ tấn công ở Sri Lanka. Trong một dòng trạng thái trên mạng Twitter, ông Juncker cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng giúp đỡ Sri Lanka.
Thủ tướng Anh Theresa May cùng ngày ra tuyên bố nhấn mạnh: "Hành động bạo lực nhằm vào các nhà thờ và khách sạn tại Sri Lanka thực sự kinh hoàng". Bà bày tỏ chia sẻ sâu sắc với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này. Bà cũng kêu gọi: "Chúng ta phải sát cánh bên nhau để đảm bảo rằng không còn ai phải thực hành đức tin của mình trong sợ hãi".
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án loạt vụ tấn công "dã man" tại Sri Lanka. Trong điện chia buồn gửi người đồng cấp Sri Lanka, ông Putin nhấn mạnh Nga là "một đối tác đáng tin cậy của Sri Lanka trong cuộc chiến chống khủng bố" và người dân Nga "chia sẻ những mất mát với gia đình của những người thiệt mạng và cầu chúc những người bị thương nhanh chóng bình phục".