Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, bà Choi Hyun-soo đã tái khẳng định lập trường của Chính phủ nước này "chỉ xem xét các biện pháp khác khi Nhật Bản trước hết gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu và quan hệ Hàn-Nhật được khôi phục".
Hiệp định GSOMIA giữa Hàn Quốc và Nhật Bản được ký năm 2016. Hiệp định này sẽ hết hiệu lực vào ngày 23/11 tới, sau quyết định ngày 22/8 vừa qua của Seoul không gia hạn Hiệp định sau khi Tokyo công bố các quy định hạn chế xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Seoul cho rằng động thái này của Tokyo là nhằm trả đũa quyết định của Tòa án Tối cao Hàn Quốc buộc các công ty Nhật Bản bồi thường các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Gần đến thời hạn hiệp định hết hiệu lực, một số nguồn tin truyền thông đồn đoán rằng Hàn Quốc đang cân nhắc một phương án hoãn chấm dứt GSOMIA cho đến khi hai bên đạt được một giải pháp cho các tranh cãi về kinh tế và lịch sử thời chiến. Tuy nhiên, bà Choi Hyun-soo khẳng định "cho đến nay chưa có phương án nào như vậy được xem xét".
Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc rút lại quyết định vì GSOMIA được xem là rất quan trọng trong hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn tại khu vực, song Seoul vẫn giữ lập trường chỉ xem xét lại quyết định này khi Nhật Bản có những động thái thay đổi trước.