Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hàn Quốc giải thích việc chấm dứt GSOMIA là một quyết định khó khăn của chính phủ, xét tới sự thay đổi về môi trường an ninh sau động thái trả đũa thương mại của Nhật Bản. Do đó, Seoul vẫn giữ nguyên lập trường cơ bản là chỉ có thể xem xét lại quyết định nếu Tokyo rút lại các biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu của mình, bất chấp việc Mỹ yêu cầu Hàn Quốc gia hạn hiệp định này.
Liên quan tới Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) về chia sẻ chi phí quân sự chung, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha từ chối trả lời con số cụ thể, chỉ cho biết Mỹ đã đưa ra mức tăng tương đối lớn so với quá khứ. Tuy nhiên, vấn đề chia sẻ chi phí quân sự phải được Quốc hội phê chuẩn, nên trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục xem xét cẩn trọng và tích cực bảo vệ lập trường của mình trong quá trình đàm phán với Washington.
GSOMIA giữa Seoul và Tokyo được tự động gia hạn hàng năm trừ phi một trong hai bên bày tỏ ý định hủy bỏ nó 90 ngày trước khi kết thúc thời hạn một năm. Hiệp định chia sẻ thông tin quân sự này được coi là biểu tượng hiếm hoi của niềm tin giữa hai nước và là nền tảng chính cho hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn.