Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Abe nhấn mạnh không được để cho quyết định của Seoul tác động tiêu cực tới hợp tác an ninh ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Ông kêu gọi Seoul "giữ đúng lời hứa giữa các nước".
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Hàn Quốc chấm dứt GSOMIA trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh gia tăng từ phía Triều Tiên.
Theo Bộ trưởng Iwaya, các vụ phóng tên lửa liên tiếp gần đây của Triều Tiên đe dọa an ninh quốc gia, và hợp tác 3 bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ rất quan trọng trong bối cảnh này. Do đó, ông cho biết Tokyo sẽ hối thúc mạnh mẽ Seoul xem xét lại và đưa ra quyết định sáng suốt.
Mỹ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Hàn Quốc quyết định chấm dứt GSOMIA với Nhật Bản, đồng thời kêu gọi hai nước giải quyết những căng thẳng trong mối quan hệ song phương.
Phát biểu trong cuộc họp báo khi đang ở thăm Canada, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: "Chúng tôi lấy làm tiếc trước quyết định của Hàn Quốc liên quan thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo. Chúng tôi kêu gọi hai nước tiếp tục tiếp xúc và đối thoại".
Ông Pompeo cũng nhấn mạnh sự cải thiện quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á này đóng vai trò quan trọng không chỉ trong vấn đề Triều Tiên mà còn đối với các vấn đề khác trong khu vực và trên thế giới.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đã bày tỏ lo ngại về quyết định của Hàn Quốc chấm dứt GSOMIA với Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh quan trọng của sự hợp tác an ninh liên tục giữa ba quốc gia Mỹ - Nhật - Hàn.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cùng ngày cũng ra tuyên bố bày tỏ "vô cùng lấy làm tiếc và quan ngại" trước quyết định trên của Hàn Quốc. Quan chức này kêu gọi hai bên cùng nhau nhanh chóng giải quyết những bất đồng, đồng thời nhấn mạnh "sự phối hợp trong đoàn kết và hữu nghị" giữa Mỹ - Nhật - Hàn sẽ giúp khu vực Đông Bắc Á an toàn hơn và việc chia sẻ thông tin tình báo là chìa khóa để phát triển chính sách và chiến lược phòng thủ chung.
Trong diễn biến liên quan, Hàn Quốc ngày 23/8 cho biết nước này sẽ thực hiện các bước đi nhằm giảm thiểu tối đa bất kỳ ảnh hưởng nào có thể có từ căng thẳng thương mại với Nhật Bản.
Phát biểu trước báo giới ở Sejong, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki nêu rõ: "Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình chặt chẽ để đảm bảo những tác động kinh tế tiêu cực sẽ được giảm thiểu tối đa trong bất kỳ tình huống nào".
Ông cũng cho biết Hàn Quốc sẽ liên tục theo dõi các thị trường tài chính và đã chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp nhằm ứng phó với những biến động gia tăng sau quyết định chấm dứt GSOMIA với Nhật Bản.
Việc Hàn Quốc rút khỏi GSOMIA đã nhận được những phản ứng trái chiều từ chính giới Hàn Quốc. Trong khi đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành, đảng Công lý, đảng Hòa bình dân chủ, bày tỏ hoan nghênh quyết định trên, thì hai đảng đối lập Hàn Quốc tự do và Tương lai chính nghĩa lại bày tỏ quan ngại sâu sắc.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, đảng Dân chủ đồng hành đã bày tỏ tôn trọng quyết định của Chính phủ, đồng thời hy vọng Nhật Bản rút lại các biện pháp trả đũa kinh tế, chấp thuận đối thoại và hợp tác trên tinh thần tôn trọng người dân hai nước.
Trong khi đó, đảng Công lý cũng bày tỏ hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh quyết định của Chính phủ, tin tưởng dù hiệp định bị phá vỡ cũng sẽ không gây ra lỗ hổng về an ninh.
Ngược lại, đảng Hàn Quốc tự do bày tỏ lo ngại mâu thuẫn lịch sử giữa hai nước đang lan rộng sang các lĩnh vực kinh tế, an ninh. Đảng Tương lai chính nghĩa cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định trên của Chính phủ, lo ngại điều này sẽ khiến Mỹ quay lưng lại với Hàn Quốc.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký GSOMIA năm 2016. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này được gia hạn tự động hằng năm, bên nào muốn rút khỏi thỏa thuận cần thông báo cho bên kia trước ngày 24/8. Hôm 22/8 vừa qua, Hàn Quốc đã thông báo quyết định ngừng GSOMIA với Nhật Bản.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng hoạt động trao đổi thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản không đáp ứng "các lợi ích quốc gia" của Hàn Quốc, viện dẫn "sự thay đổi lớn" về các điều kiện an ninh do những hạn chế xuất khẩu của Tokyo.
Giới phân tích lo ngại quyết định này của Seoul có thể làm suy yếu quan hệ đồng minh an ninh ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn trong các cấu trúc kinh tế và an ninh đã tồn tại ổn định từ lâu trong khu vực.