Phát biểu ngày 21/8 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nêu rõ hai nước đã chia sẻ quan điểm cần phải giải quyết tranh cãi, được xem như "di sản" tồi tệ từ thời kỳ phát xít Nhật đô hộ Bán đảo Triều Tiên.
Trong bình luận được Đài Phát thanh truyền hình NHK của Nhật Bản đăng tải, Ngoại trưởng Kono nói: "Tôi muốn thấy sự tiến triển trong việc giải quyết (hiềm khích) với Hàn Quốc. Tôi cho rằng việc chúng ta có thể đàm phán trong hoàn cảnh đầy khó khăn này có thể mang lại tiến bộ lớn hướng tới giải quyết tranh cãi. Tôi muốn giữ liên lạc chặt chẽ và tiếp tục đối thoại".
Ngoại trưởng Kono đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản muốn cùng Hàn Quốc duy trì Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự Hàn - Nhật (gọi tắt là GSOMIA), vốn có thể được gia hạn nếu Hàn Quốc quyết định không thay đổi vào cuối tháng này. Nhà ngoại giao này còn tiết lộ ông đã thảo luận vấn đề này với bà Kang nhưng từ chối nêu rõ chi tiết.
Ngoài ra, quan chức ngoại giao Nhật Bản cũng hối thúc cả Trung Quốc và Hàn Quốc dỡ bỏ những hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ những khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, nơi 3 lò phản ứng hạt nhân bị ảnh hưởng sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.
Theo một quan chức Hàn Quốc, với việc nhất trí tiếp tục đàm phán, cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc vừa qua đặc biệt có ý nghĩa trong việc khôi phục tiến trình đối thoại ngoại giao.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Kono và Ngoại trưởng Kang Kyung-wha diễn ra bên lề cuộc họp ba bên với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh. Cuộc hội đàm đã làm đấy lên hy vọng rằng Tokyo và Seoul có thể tìm ra giải pháp để giảm căng thẳng giữa lúc ngày càng nhiều người lo ngại rằng sự hiềm khích gia tăng trong quan hệ hai nước có thể gây phương hại cho hợp tác 3 bên với Mỹ về an ninh khu vực.
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã xấu đi nghiêm trọng sau các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Nhật Bản luôn khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.
Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Đáp lại, Hàn Quốc thậm chí đe dọa xem xét sẽ chấm dứt GSOMIA sau khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 24/8 tới.