Hàn Quốc: Chưa tới lúc thảo luận về siết chặt trừng phạt đối với Triều Tiên

Ngày 22/3, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do-hoon cho biết ông đã tập trung thảo luận về cách thức khôi phục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên trong các chuyến thăm tới Nga và trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu tuần này.

Chú thích ảnh
Ông Lee Do-hoon tại sân bay Incheon, phía tây Seoul, Hàn Quốc ngày 14/3/2018. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trước đó, ngày 19/3, ông Lee Do-hoon đã có cuộc gặp với đối tác Nga - Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov tại St. Petersburg. Phát biểu với báo giới khi về tới sân bay quốc tế Incheon, ông Lee Do-hoon cho biết: "Về cơ bản, (chúng tôi) đã nhất trí rằng cuộc đối thoại và đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ nên được sớm nối lại". Hai bên cũng nhất trí hợp tác xử lý các tình huống vào thời điểm "rất nhạy cảm và quan trọng".

Khi được hỏi liệu đã có các cuộc tham vấn về việc tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng hay chưa, ông Lee cho rằng chưa đến lúc thảo luận về vấn đề này, nhấn mạnh "điều quan trọng nhất là tiếp tục đối thoại, thay vì gây sức ép".

Sự hoài nghi về tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đã tăng cao kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2 kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Mới đây nhất, cũng trong ngày 22/3, Triều Tiên đã thông báo quyết định rút khỏi Văn phòng liên lạc chung liên Triều đặt ở thành phố biên giới Kaesong. Seoul sau đó đã bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định này, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng sớm quay lại để văn phòng có thể tiếp tục hoạt động theo thỏa thuận của hai bên.

Liên quan đến động thái rút khỏi Văn phòng liên lạc chung Kaesong của Bình Nhưỡng, cùng ngày, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã bày tỏ thất vọng trước quyết định đột ngột trên của Triều Tiên. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khu tổ hợp công nghiệp Kaesong Shin Han-yong cho biết hiệp hội này lo ngại mối quan hệ liên Triều có thể quay trở lại tình trạng "u ám" trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều bị đình trệ.

Trong khi đó, Hyundai Asan, công ty vận hành các tour du lịch tới Núi Kumgang và cũng là doanh nghiệp đóng vai trò đi đầu trong việc thành lập tổ hợp công nghiệp chung Kaesong, cho biết sẽ "tuân theo hướng dẫn của chính phủ" khi tính tới các dự án kinh doanh và đối tác tại Triều Tiên. Công ty này cũng bày tỏ hy vọng sự cải thiện trong quan hệ liên Triều có thể giúp khôi phục lại các dự án kinh doanh vốn đang bị đình trệ.

Khu công nghiệp chung Kaesong và chương trình du lịch Núi Kumgang là hai dự án được coi là những biểu tượng quan trọng cho sự hàn gắn liên Triều nhưng đã phải ngừng trong hơn 2 năm qua. Các chướng ngại dường như đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho việc nối lại các dự án này, khi hai lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9/2018 nhất trí "bình thường hóa" hai dự án trên. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của LHQ chống Triều Tiên đã khiến các doanh nhân không thể đến khu Kaesong để kiểm tra trang thiết bị của mình đã bị bỏ không tại đây kể từ khi khu công nghiệp này đóng cửa.

Phương Oanh (TTXVN)
Hàn Quốc họp khẩn sau quyết định rút khỏi văn phòng liên lạc chung của Triều Tiên
Hàn Quốc họp khẩn sau quyết định rút khỏi văn phòng liên lạc chung của Triều Tiên

Vài giờ sau khi Triều Tiên thông báo rút khỏi Văn phòng liên lạc chung liên Triều đặt ở thành phố biên giới Kaesong, ngày 22/3, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về động thái mới nhất của Bình Nhưỡng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN