Hai tàu ngầm lớp Kilo của Nga 'đấu tay đôi' ngư lôi ở Biển Baltic

Hai tàu ngầm Nga đã đối mặt nhau trong một cuộc tấn công mô phỏng ở Biển Baltic, nơi NATO cũng vừa tiến hành các cuộc tập trận quân sự giữa thời điểm căng thẳng gia tăng giữa liên minh và Moskva.

Chú thích ảnh
Novorossiysk, tàu ngầm tấn công trong Dự án 636.3 Varshavyanka của Nga. Ảnh: Sputnik

Hai tàu ngầm diesel-điện của Hải quân Nga là Novorossiysk và Dmitrov gần đây đã tham gia một cuộc tập trận mô phỏng một cuộc đấu tay đôi ở Biển Baltic, thể hiện khả năng chiến đấu dù bị đánh giá là kém hơn so với các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.  

Theo tờ Newsweek, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, đồng nghĩa vùng biển Baltic đã bị bao quanh bởi các thành viên khối quân sự do Mỹ dẫn đầu, khiến nó còn mang biệt danh là "Hồ NATO". Tuy nhiên, cùng nằm bên biển Baltic còn là vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad của Nga, nơi đặt trụ sở chính của Hạm đội Baltic Nga. Do đó vùng biển này cũng có nguy cơ trở thành tiền tuyến trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào giữa Moskva và NATO.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS mới đây đưa tin, sau cuộc diễn tập chống tàu ngầm, các tàu ngầm diesel-điện Novorossiysk và Dmitrov đã tiến hành một cuộc huấn luyện đọ sức. Họ cho biết thủy thủ đoàn Novorossiysk đã "thực hiện một cuộc tấn công ngư lôi" bằng cách sử dụng vũ khí không có đầu đạn. 

Theo TASS, các tàu ngầm Nga cũng thực hành các hoạt động cơ động chiến đấu, như né tránh các cuộc tấn công của đối phương cũng như phát hiện, theo dõi và phóng ngư lôi chống lại tàu ngầm địch.

Nga dường như đang dựa nhiều hơn vào hạm đội tàu ngầm của mình để thể hiện sức mạnh. Gần đây, nước này đã triển khai một đội tàu bao gồm tàu ​​ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan tới Cuba, tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong hải phận quốc tế ở vùng biển Caribe. Tàu Kazan được trang bị tên lửa siêu vượt âm Zircon.

Chú thích ảnh
Thủy thủ bên bàn điều khiển hệ thống vũ khí trên tàu ngầm Novorossiysk. Ảnh: Sputnik

Trong một phản ứng trước diễn biến trên, NATO đã triển khai máy bay chống ngầm P-8 Poseidon để theo dõi hoạt động của tàu.

Cuộc tập trận tàu ngầm ở biển Baltic của Nga diễn ra chỉ trong một tuần sau khi NATO tiến hành loạt cuộc tập trận quân sự Baltops, có sự tham gia lần đầu tiên của thành viên mới nhất liên minh là Thụy Điển. Loạt sự kiện kết thúc hôm 27/6 với các hoạt động như quét mìn trên biển, phát hiện tàu ngầm, đổ bộ và cách ứng phó với thương vong hàng loạt. Cuộc tập trận này diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, D.C, bắt đầu từ ngày 9/7.

Cuộc tập trận của NATO ở Baltic diễn ra sau thông báo của Đan Mạch rằng nước này có thể hạn chế sự di chuyển của các tàu chở dầu của Nga, được cho là vận chuyển dầu lách các lệnh trừng phạt phương Tây, với lý do đội tàu có tuổi đời quá cao này có thể gây rủi ro cho môi trường.

Trong khi đó, một số thành viên NATO đã phản ứng mạnh mẽ trước một sắc lệnh được công bố trên trang web của chính phủ Nga, sau đó bị xóa, đề xuất thay đổi biên giới trên biển của Nga ở phía đông Biển Baltic.

Tàu ngầm lớp Kilo

Novorossiysk và Dmitrov là các tàu ngầm lớp Kilo. Được chế tạo liên tục từ năm 1980, đến nay 83 tàu ngầm Kilo đã được hoàn thiện và 65 chiếc vẫn đang hoạt động. Hệ thống động cơ diesel-điện của Kilo bao gồm hai máy phát điện diesel công suất 1.000 kilowatt và một động cơ đẩy có công suất lên tới 6.800 mã lực.

Tàu ngầm có thể đạt tốc độ 32 km/giờ khi lặn, nghĩa là lớp này có tốc độ hơi chậm. Không giống như tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động vô thời hạn, lớp Kilo có thời gian hoạt động 45 ngày và tầm hoạt động khoảng 13.700km khi sử dụng ống thở; 730km khi hoàn toàn trong nước. Tàu lớp Kilo có thể hoạt động ở độ sâu 275 mét, với độ sâu tối đa là gần 300 mét.

Tàu ngầm lớp Kilo có chiều dài 74 mét, chiều rộng 10 mét và mớn nước 6,5 mét. Tàu có lượng giãn nước lên tới 2.350 tấn khi nổi và 4.000 tấn khi chìm.

Kilo được trang bị vũ khí mạnh với 6 ống phóng ngư lôi 533 mm và 18 quả ngư lôi. Ngoài ra, tàu lớp này còn mang theo 4 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr/Club, tên lửa chống hạm và tên lửa chống tàu ngầm; 24 ngư lôi; và 8 tên lửa đất đối không SA-N-8 Gremlin/SA-N-10 Gimlet.

Mặc dù các tàu lớp Kilo được coi là kém hơn các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng tàu Novorossiysk được trang bị sonar tiên tiến và có thể mang theo vũ khí gồm cả tên lửa hành trình Kalibr, được sử dụng để tấn công cả mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Newsweek, TASS)
Nga theo dõi tàu ngầm mới, giá trị nhất của hải quân Israel?
Nga theo dõi tàu ngầm mới, giá trị nhất của hải quân Israel?

Tàu ngầm của Israel được coi là tài sản chiến lược quan trọng. Theo báo cáo nước ngoài, các tàu này có thể mang tên lửa hạt nhân và mang lại cho Israel khả năng răn đe cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN