Hải quân Philippines lần đầu thử thành công tên lửa Spike ER trong tập trận bắn đạn thật

Hải quân Philippines đã lần đầu tiên thử thành công tên lửa tối tân Spike ER trong tập trận bắn đạn thật cuối tuần qua tại tỉnh Basilan.

Chú thích ảnh
Hải quân Philippines lần đầu thử thành công tên lửa Spike ER trong tập trận bắn đạn thật ngày 28/10/2021. Ảnh: Philstar

Theo tờ Philstar, vụ thử tên lửa Spike ER diễn ra trong khuôn khổ cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài năm ngày mang tên Pagsisikap 2021 của Lực lượng Hải quân Tây Mindanao (NFWM), diễn ra ở ngoài khơi đảo Salkulakit thuộc tỉnh Basilan.

Tư lệnh NFWM, Chuẩn Đô đốc Toribio Adaci Jr, cho biết tên lửa Spike ER đã được phóng đi từ một trong các tàu tấn công đa năng thuộc Lữ đoàn tàu tấn công nhanh số 3 của Hải quân Philippines, và đã đánh trúng mục tiêu trên biển cách đó 4km.
Cuộc tập trận còn có sự tham gia của nhiều tàu chiến khác, trong đó các khoa mục diễn tập như bắn súng trên biển trong điều kiện mô phỏng thực chiến đã được tiến hành.  

Thượng úy Chester Cabaltera, sĩ quan cấp cao phụ trách truyền thông của NFWM, cho biết thêm cuộc tập trận Pagsisikap 2021 nhằm mục đích kiểm tra các học thuyết thời bình cũng như thời chiến của Hải quân Philippines trong việc triển khai các hoạt động đổ bộ, chống tiếp cận trên biển, do thám, trinh sát trên biển, hoạt động dân quân và các hoạt động hải quân phi truyền thống khác.

Video Hải quân Philippines thử tên lửa Spike-ER (Nguồn: Philstar)

Theo nguồn tin này, đây là lần thứ hai Philippines thử thành công tên lửa Spike ER sau khi khí tài này được chuyển giao cho Hải quân năm 2018. Thượng úy Chester Cabaltera cho biết thêm Spike ER “là hệ thống tên lửa linh hoạt đã được chứng minh bởi hệ thống dẫn đường kép, có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 8 km”.

Chuẩn Đô đốc Adaci Jr đánh giá vụ thử thành công tên lửa Spike ER khẳng định năng lực của Hải quân Philippines trong nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển của chúng tôi”.

Spike là tên lửa chống tăng do Israel nghiên cứu phát triển, hoạt động theo nguyên lý F&F “bắn và quên”. Spike cấu tạo gồm ba bộ phận chính: phần đầu (gắn thiết bị cảm biến lái dẫn); phần thân, mang hai đầu nổ (để kích hoạt giáp phản ứng nổ (ERA) và xuyên phá); và động cơ của tên lửa. Đây là vũ khí đa nhiệm, có thể được phóng từ đất liền, trên biển, từ xe cơ giới hoặc từ trực thăng.

Chú thích ảnh
Hải quân Philippines lần đầu thử thành công tên lửa Spike ER trong tập trận bắn đạn thật ngày 28/10/2021. Ảnh: Philstar

Spike ER là phiên bản nâng cấp của tên lửa Spike được lắp đặt hệ thống truyền dữ liệu hai chiều không dây hai tần số vô tuyến (RF), điều chỉnh phần mềm điều khiển tên lửa để tối đa hóa tầm bắn, cơ động linh hoạt và khả năng xác định, cho phép tiêu diệt các mục tiêu từ khoảng cách xa hơn tới 8km.

Tháng 6/2018, Hải quân Philippines được trang bị tên lửa Spike ER và lần đầu tiên thử nghiệm các hệ thống tên lửa này trên tàu chiến. Philippines đã trang bị các hệ thống tên lửa Spike-ER trên 3 tàu pháo do Philippines sản xuất, cụ thể là các tàu tấn công đa năng (MPAC). Philippines dự kiến sử dụng các tên lửa này như một vũ khí răn đe trong quá trình tuần tra trên biển của Hải quân.

Ngoài Philippines, Hàn Quốc và một số quốc gia khác cũng đã nhập khẩu các phiên bản khác nhau của tên lửa Spike.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Hải quân Philippines sở hữu tàu chiến trang bị tên lửa đầu tiên
Hải quân Philippines sở hữu tàu chiến trang bị tên lửa đầu tiên

Lực lượng Hải quân Philippines thông báo tàu chiến trang bị tên lửa FF-150 đầu tiên của nước này đã về đến căn cứ hải quân tại Subic vào ngày 23/5, sau 5 ngày khởi hành từ Ulsan, Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN