Phát biểu tại trụ sở Bộ Quốc phòng Hà Lan ngày 16/3, Tư lệnh Hải quân Pieter-Henk Schroor cho biết, mới đây, Hà Lan đã quyết định tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do nguy cơ phổ biến tên lửa đạn đạo đang là mối đe dọa ngày một gia tăng đối với người dân, lãnh thổ và các lực lượng được triển khai của liên minh quân sự này.
Tàu khu trục HrMs Evertsen (F 805) của Hà Lan được trang bị hệ thống rađa Smart-L tầm xa 400 km. Ảnh: Internet |
Ông Pieter-Henk Schroor nói: “Qua thông tin tình báo, chúng tôi biết rằng hơn 30 quốc gia đang sở hữu hoặc sẽ mua tên lửa đạn đạo. Chúng không tạo ra mối đe dọa trước mắt, song về lâu dài chúng có thể trở thành mối đe dọa. Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là NATO cần phát triển khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và Hà Lan cần tham gia đóng góp vào khả năng đó”.
NATO đang triển khai các trung tâm chỉ huy và kiểm soát đối với hệ thống phòng thủ tên lửa. Các thiết bị cảm biến và các máy bay đánh chặn sẽ do các nước hoặc các nhóm nước cung cấp thông qua sự đóng góp tự nguyện. Phần đóng góp của Hà Lan sẽ là nâng cấp bốn tàu khu trục phòng không nhỏ bằng cách trang bị hệ thống rađa Smart-L có tầm quan sát xa hơn. Hệ thống rađa mới này sẽ trở thành một bộ phận trong hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Sau khi được hiện đại hóa, nó có thể phát hiện và theo dõi những tên lửa đang được bắn đến ở khoảng cách hơn 1.000 km và chuyển thông tin đó cho hệ thống phòng không của NATO để có thể tiến hành đánh chặn.
Chính phủ Hà Lan sẽ chi khoảng từ 100 đến 250 triệu euro để hiện đại hóa hệ thống rađa Smart-L – một con số đáng kể trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Nhưng theo ông Pieter-Henk Schroor, đây được coi là một khoản đầu tư sáng suốt của Hà Lan trong một thời gian dài. Ông cho biết sự nâng cấp hệ thống rađa này cũng sẽ do một công ty của Hà Lan thực hiện.
Hà Lan cho rằng mặc dù ngân sách quốc phòng đang phải chịu áp lực từ các biện pháp kinh tế khắc khổ, Hà Lan vẫn coi việc đầu tư vào công nghệ mới là điều có ý nghĩa rất quan trọng vì nó sẽ đảm bảo cho an ninh của chính họ cũng như của các nước thành viên khác trong NATO.
Thái Vân (P/v TTXVN tại Bỉ)