Gói trừng phạt thứ 9 của EU nhằm vào Nga sa lầy trong tranh cãi

EU đang nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận về các biện pháp để đưa vào gói trừng phạt thứ 9 khi việc áp đặt chế độ này ngày càng trở nên khó khăn hơn. 

Chú thích ảnh
EU vẫn tranh cãi về gói trừng phạt thứ 9 với Nga. Ảnh: Reuters

Cuộc tranh luận về những gì nên đưa vào gói trừng phạt thứ 9 của EU đang bị sa lầy trong sự bất đồng. Các ngoại trưởng EU đã họp vào ngày 12/12 nhằm đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cuối cùng đã không thể thống nhất về cách tốt nhất để thực hiện điều này.

Một số nước muốn áp dụng các biện pháp cực đoan như áp trần giá dầu Nga ở mức rất thấp là 30 USD/thùng, trong khi những nước khác lo lắng nhiều hơn về tác động của chính những biện pháp này đối với nền kinh tế châu Âu hoặc châm ngòi cho Thế chiến thứ ba.

Theo EUObserver, phiên bản dự thảo gói trừng phạt thứ 9 của EU được cho là “khiêm tốn” và có rất ít nội dung có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho Nga. Phiên bản đó cũng khó thu hút sự nhất trí bỏ phiếu mà bất kỳ biện pháp trừng phạt nào cũng cần phải có.

Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết trong phiên họp rằng Hội đồng Ngoại trưởng các nước EU đã không thống nhất được về dự thảo "vì khối lượng và sự phức tạp" của các biện pháp trừng phạt được đề xuất.

"Chúng tôi có trong chương trình nghị sự về gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga, nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Quá trình thảo luận vẫn chưa kết thúc", ông Borrell nói.

Hiện tại, gói dự thảo thứ 9 bao gồm các hạn chế đối với bốn kênh truyền hình Nga, 144 cá nhân, nhân vật truyền thông, cũng như lệnh cấm bán công nghệ lưỡng dụng cho một số công ty Nga và lệnh trừng phạt mới đối với ít nhất hai ngân hàng.

Ngoài ra, các đề xuất bao gồm "các biện pháp kinh tế sâu rộng hơn nữa đối với lĩnh vực khai thác và năng lượng của Nga, trong đó có lệnh cấm đầu tư mới ở Nga", Hội đồng Ngoại trưởng EU cho biết trong một tuyên bố.

Cuộc tranh luận về gói trừng phạt thứ 9 diễn ra sau khi Hungary rút lại sự phản đối với gói viện trợ trị giá 18 tỷ euro cho Ukraine nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Hungary, quốc gia phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đã kêu gọi giảm bớt chế độ trừng phạt và đã từ chối tham gia nhiều lệnh cấm vận.

Ngoại trưởng Hungary cho biết Budapest đang nỗ lực thuyết phục EU không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Nga, viện dẫn nguy cơ cắt đứt các kênh liên lạc với Moskva. Budapest cho biết thêm trong số những thứ được miễn trừ có các công ty Nga hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo EUObserver)
Điện Kremlin cảnh báo tên lửa Patriot sẽ thành mục tiêu của Nga nếu chuyển giao cho Ukraine
Điện Kremlin cảnh báo tên lửa Patriot sẽ thành mục tiêu của Nga nếu chuyển giao cho Ukraine

Ngày 14/12 (giờ địa phương), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga chắc chắn sẽ nhắm mục tiêu vào các hệ thống tên lửa MIM-104 Patriot của Mỹ ở Ukraine, nếu loại vũ khí này được triển khai trong cuộc xung đột đang diễn ra tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN