Một đêm muộn năm 2019, người phụ nữ ngoài 30 tuổi ngồi bên cạnh giường bệnh trong bệnh viện. Phía sau cô, cậu con trai nhỏ Jie đang say giấc. Ngay trước mặt cô là chiếc điện thoại truyền trực tiếp cảnh tượng này cho cả thế giới mạng theo dõi.
Thi thoảng, cô đứng lên để kiểm tra tình trạng của cậu bé, hoặc sắp xếp lại cốc nước, giấy ăn và thuốc trên bàn cạnh giường. Suốt thời gian đó, cô vẫn chú ý duy trì kết nối với những người theo dõi qua màn hình điện thoại. Cô chia sẻ trong livestream: “Thằng bé không thể đứng dậy. Bác sĩ nói rằng con trai tôi sẽ phải ngồi xe lăn suốt phần đời còn lại”.
Sau khi con trai bị chấn thương tủy sống vào năm 2017, cô đã gặp ba người mẹ khác có con tên là Qiqi, Xiao Wei và Xiao Ke đều mắc tình trạng tương tự. Từ năm 2018, cả bốn người bắt đầu livestream cuộc sống của họ trên nền tảng video ngắn Kuaishou của Trung Quốc.
Động lực chính để những người mẹ này livestream là vì tiền. Chi phí chăm sóc người bị chấn thương tủy sống rất cao, tạo gánh nặng cho những gia đình thu nhập bình thường. Chi phí nằm ba ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt khiến gia đình Qiqi tốn 50.000 nhân dân tệ (174 triệu đồng), tương đương với toàn bộ thu nhập cả năm của gia đình. Trong khi đó, chi phí điều trị và phục hồi chức năng cho Xiao Wei trong năm 2019 và 2020 lên tới hơn 2 triệu nhân dân tệ.
Tình cảnh của 4 bà mẹ càng thêm éo le khi họ đều phải nghỉ việc để chăm sóc con toàn thời gian. Áp lực chăm sóc hàng ngày và hóa đơn tăng cao, khiến họ tìm đến livestream để kiếm tiền trang trải chi phí điều trị cho con.
Phiên livestream của họ ghi lại chi tiết về quá trình chăm sóc con cái hàng ngày và việc phục hồi chức năng của các em nhỏ. Bốn bà mẹ gắn thẻ bài đăng của mình bằng những cụm từ như "trẻ em bị chấn thương tủy sống" để thu hút người xem. Ngay cả tên tài khoản "mẹ Qiqi", "mẹ của Jie”… xác định họ bằng mối quan hệ với con cái.
Thỉnh thoảng, những bà mẹ này bật khóc trên sóng livestream, nức nở giải thích nỗi đau của bản thân. Điều này giúp giành được đồng cảm từ người xem.
Để thu hút lượt xem, các bà mẹ cũng sản xuất video ngắn. Với độ dài khoảng một phút, các clip này thường có nhạc nền buồn, cùng với tiêu đề giật gân như "Bác sĩ đã tuyên án tử khi tôi mới 10 tuổi" và "Bị liệt nửa người hơn một năm - đây là cách mẹ đối xử với tôi!".
Ban đầu, các bà mẹ này kiếm được khá nhiều tiền từ các buổi livestream. Khi thu hút được hơn 200 người xem, họ có thể kiếm được từ 200 đến 500 nhân dân tệ cho mỗi buổi.
Vào ngày đầu năm mới năm 2019, mẹ của Jie đã nhận 3.000 nhân dân tệ tiền quyên góp từ một buổi livestream. Một nửa số tiền đó được chuyển cho nền tảng Kuaishou, nhưng cô vẫn thu về 1.500 nhân dân tệ. Tuy nhiên, sự đồng cảm của người xem không kéo dài được lâu.
Không chỉ vậy, phiên livestream của họ còn thu hút cả người xem có động cơ đen tối. Một số người đăng bình luận khiến các bà mẹ cảm thấy không thoải mái, chẳng hạn như "Cho tôi xem chân đứa trẻ". Có người xem lại nhận xét về ngoại hình của các bà mẹ.
Tuy nhiên, mặc dù doanh thu giảm và thỉnh thoảng bị quấy rối, các bà mẹ vẫn tiếp tục phát trực tiếp. Điều này một phần là do nhu cầu thực sự về tiền bạc và khó khăn trong tìm công việc phù hợp để có thu nhập.
Mặc dù không phải lúc nào cũng an toàn, nhưng trò chuyện trên livestream cũng tạo nguồn đồng hành và hỗ trợ rất cần thiết. Mẹ của Xiao Ke cho biết, sau khi ly hôn và phải nuôi con gái một mình, cô đã nghĩ đến chuyện tự tử. Nhưng khi nói chuyện và tương tác nhiều hơn với người xem, cô dần có thể thư giãn và tìm lại mục đích sống.
Các bà mẹ còn gặp những phụ huynh khác cùng hoàn cảnh. Họ trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu bài tập phục hồi chức năng với nhau. Ví dụ, mẹ của Xiao Ke bắt đầu sử dụng nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng khác nhau mà bà học được khi xem những đứa trẻ khác trên Kuaishou, dẫn đến tiến triển khiến chuyên gia vật lý trị liệu của Xiao Ke ngạc nhiên.
Những lý do đó khiến các bà mẹ không muốn từ bỏ việc livetream.