Tờ Global Times (Trung Quốc) đưa tin, một quầy bán đồ ăn cho thuê đầu bếp mới mở ở khu chợ thuộc thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang trong thời gian qua đã gây cơn sốt. Khách hàng mang theo nguyên liệu nấu ăn và háo hức chờ đợi đầu bếp chế biến các món ngon cho họ.
Xu hướng này không chỉ có ở Nghĩa Ô mà còn nhiều thành phố khác trên khắp Trung Quốc. Cơ chế hoạt động của hình thức này là khách hàng tự mang nguyên liệu và trả một khoản phí nhỏ để đầu bếp chế biến chúng ngay tại chỗ theo yêu cầu của họ.
Vậy lý do nào khiến hình thức này phát triển trong bối cảnh lĩnh vực giao đồ ăn vẫn đang thịnh hành ở quốc gia tỷ dân?
CEO của công ty iMedia - ông Zhang Yi phân tích với tờ Global Times rằng một trong những lý do chính là tình trạng mọi người không có nhiều thời gian để nấu ăn. Một lý do khác theo ông Zhang Yi là vấn đề về món chế biến sẵn trong lĩnh vực giao đồ ăn. Điều này khiến nhiều thực khách muốn tìm đến hình thức khác với lựa chọn tươi hơn và minh bạch hơn.
Các quầy bán đồ ăn “đầu bếp cho thuê” thường khá thân thiện và thành thật, khác với dịch vụ giao hàng. Khách hàng có thể trực tiếp theo dõi quá trình chế biến và thưởng thức món ăn nóng hổi ngay lập tức.
Ông Hou Lei làm việc tại một doanh nghiệp quốc doanh, thường lui tới tầng 3 của chợ hải sản Jingshen ở Bắc Kinh, nơi có dịch vụ “đầu bếp cho thuê” chuyên về hải sản và các mặt hàng tươi khác. Người đàn ông 51 tuổi này chia sẻ: “Tôi không tự tin về việc nấu các món ăn cầu kì, do đó, tôi ưu tiên việc thưởng thức các món ăn một cách tiện lợi mà không phải xử lý rác thực phẩm như nấu ăn tại nhà”.
Hou Lei tiết lộ rằng ông sẽ mua hải sản và rau ở tầng dưới trong chợ Jingshen, sau đó mang lên tầng 3 ở khu vực chế biến, nơi ông chi một khoản nhỏ cho dịch vụ “đầu bếp cho thuê”.
Ông Hou Lei kể: “Giá nấu một con cua là 10 nhân dân tệ (hơn 35.000 đồng), 8 đến 10 nhân dân tệ tiền rau củ, cũng hợp túi tiền. Tôi dự kiến sẽ duy trì sử dụng dịch vụ này, đặc biệt là trong những ngày bận rộn”.
Xu hướng này đang phản ánh thay đổi mạnh mẽ trong thói quen của người tiêu dùng. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời quản lý chợ Xinmalui tại Nghĩa Ô – ông Jin Jingxiu đánh giá rằng cả người bán và người tiêu dùng đều thích nghi với ý tưởng này.
Nghiên cứu thị trường cho thấy những khu vực nơi người dân phải bận rộn hoặc có nhiều công dân cao tuổi gặp khó khăn khi nấu ăn ở nhà, nhu cầu đối với dịch vụ này khá cao. Ông Jin phân tích: “Đối với thanh niên, việc nấu ăn sau giờ tan tầm không phải lúc nào cũng khả thi, còn với người cao tuổi, việc này tốn rất nhiều sức lực”.
Trong khi đó, ông Zhang Yi bổ sung rằng dịch vụ “đầu bếp cho thuê” này xuất phát từ thành phố Tam Á ở đảo Hải Nam và ban đầu chỉ xoay quanh hải sản. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng mạnh, dịch vụ này đã mở rộng.
Nhóm nghiên cứu của ông Zhang Yi gần đâu còn thực hiện khảo sát tại chợ nông sản Zhihui ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Kết quả thu được là nhu cầu về dịch vụ “đầu bếp cho thuê” tăng vọt trong các khung giờ tan tầm. Điều này cho thấy dịch vụ này có thể sớm trở thành hình thức cơ bản ở các khu chợ gần khu vực dân cư, đặc biệt trong bối cảnh dân số cao tuổi gia tăng ở Trung Quốc.