Giữa khủng hoảng vùng Vịnh, Ngoại trưởng Qatar đến Mỹ tìm giải pháp tháo gỡ

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp đầu tiên kể từ sau khi khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát.

Ngoại trưởng Qatar (trái) và Ngoại trưởng Mỹ ngày 27/6. Ảnh: AFP

Theo trang mạng alarabiya.net, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington DC ngày 27/6 .

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi đầu tháng này với lý do Qatar hỗ trợ các nhóm khủng bố - một cáo buộc mà Doha luôn bác bỏ.

Theo CNBC, trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Qatar cho hay Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đang nỗ lực để tìm ra một giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Ngoại trưởng Qatar nhấn mạnh rằng "những nước khác phải thật sự sẵn sàng đàm phán và đưa ra bằng chứng cho các cáo buộc và yêu sách của họ”.

Ngày 25/6, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã hối thúc Qatar và các quốc gia Arab chấm dứt quan hệ ngoại giao với Doha nên "ngồi lại với nhau" để nỗ lực đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.

Trước đó, liên minh các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã đưa ra một danh sách gồm 13 yêu cầu, trong đó có yêu cầu Qatar đóng cửa kênh Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, trục xuất tất cả thành viên Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cắt đứt mọi hợp tác quân sự với Tehran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này.

Ngoài ra, danh sách này còn yêu cầu Qatar cắt mọi quan hệ với các "tổ chức khủng bố", trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và phong trào Hezbollah ở Liban. Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ bản yêu sách nói trên vì cho rằng nó không hợp lý và vi phạm chủ quyền nước này.


Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực.

Qatar kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha. Nhiều nước, trong đó có Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang tích cực tìm cách hòa giải nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao.

Trần Minh/Báo Tin Tức
Ngoại trưởng Mỹ nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng vùng Vịnh
Ngoại trưởng Mỹ nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng vùng Vịnh

Bất chấp nỗ lực trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế, căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh giữa Qatar và các nước Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN