Quán rượu mang tên ông Putin ở Bishkek, Kyrgyzstan. Ảnh: Guardian
|
Không ít nhà phân tích của Mỹ đã cố gắng tìm hiểu về những người hâm mộ ông Putin là ai và vì đâu mà họ nhiệt thành đến vậy. Ông Thomas Remington, một chuyên gia về chính trị Nga tại trường Đại học Emory cũng muốn hiểu rõ lý do tại sao mà ngày càng nhiều chính trị gia tỏ lòng ái mộ ông Putin.
Viết trên tạp chí Foreign Policy, ông Remington thừa nhận: “Thật sự, ông Putin có nhiều kỹ năng làm nhà lãnh đạo chính trị. Theo chuyên gia Mỹ, ông Putin được thông tin vô cùng đầy đủ về một loạt các sự việc - điều khiến nhiều ứng cử viên của Mỹ phải thấy xấu hổ - đồng thời có khả năng diễn giải các vấn đề khó hiểu với công chúng theo cách rất giản đơn và thuyết phục".
Remington cho biết: “Tổng thống Putin nhanh nhạy, dí dỏm mà sâu cay và là người có tính kỷ luật cao cả. Ông là một nhà chiến thuật khéo léo, duy trì mối quan hệ với nhiều phe phái tranh giành quyền lực và của cải cũng như khiến đối thủ mất thăng bằng bởi những sáng kiến bất ngờ”.
Hình ảnh nhà lãnh đạo Nga được treo đầy bên trong Putin Pub. Ảnh: Guardian |
Remington cũng lấy làm khó chịu trước những gì ông tìm hiểu được về số đông người hâm mộ của nhà lãnh đạo Moskva. Đầu tiên là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump. Tỷ phú 69 tuổi đã khen ngợi Tổng thống Putin là một người “được
người dân tôn trọng và hơn thế, là một nhà lãnh đạo, không giống với những người ở đất nước này”.
Quan điểm của tỷ phú Trump cũng tương tự với một số nhân vật chính trị khác tại Mỹ. Năm 2013, cựu ứng viên Cộng hòa Pat Buchanan viết trên blog cá nhân: “Ông Putin có thể nhìn trước tương lai rõ ràng hơn khi mà người Mỹ vẫn đang săn đuổi một mô hình chiến tranh lạnh”.
Ngoài ra, “câu lạc bộ” hâm mộ ông Putin còn có nhiều thành viên ở ngay tại châu Âu. Câu lạc bộ này bao gồm Thủ tướng Hungary Viktor Orban, lãnh đạo đảng UKIP của Anh Nigel Farage, lãnh đạo Mặt trận quốc gia Pháp Marine Le Pen, thành viên đảng Tự do Hà Lan Geert Wilders… cùng với nhiều nhân vật của các đảng cánh hữu ở châu Âu – nhóm chính trị gia thường xuyên phê phán Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ về việc “bao vây” Nga.
Tác giả bài viết trên tạp chí Foreign Policy thú thực khó để hiểu rõ sự ủng hộ này nhằm mục đích gì nhưng “những cố gắng của Nga để thu hút sự ủng hộ trong các phong trào phản đối các chính sách EU ở châu Âu không nằm trong nỗ lực tuyên truyền một ý thức hệ ‘chủ nghĩa Putin’, mà nhằm làm suy yếu và chia rẽ EU”.