Tại sự kiện ẩm thực Madrid Fusion 2023 tổ chức ở Tây Ban Nha, 5 đầu bếp hàng đầu thế giới đã chế biến 16 món ăn với các nguyên liệu nổi tiếng châu Âu để diễn viên người Mỹ Robert De Niro hỗ trợ quảng bá sự kiện. Tuy sáng kiến được ủng hộ nhưng có hai món với nguyên liệu là lươn đã khiến nhiều người chú ý. Nhà khoa học Miguel Clavero Pineda tại Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha nhận định: “Tôi đã bất ngờ. Dường như không có nhận thức rằng đó là một loài đang trên bờ vực tuyệt chủng”.
Ông Miguel Clavero Pineda nằm trong nhóm các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường lên tiếng phản đối việc người châu Âu vẫn thưởng thức các món lươn – loài động vật đã giảm 95% số lượng từ những năm 1980 tại lục địa này. Ông Clavero Pineda nói: “Thật điên rồ. Không nhà hàng nào nghĩ đến việc phục vụ món có linh miêu Iberia. Nhưng chúng ta vẫn đang ăn lươn”.
Việc chế biến các món ăn từ lươn vốn là một truyền thống tại châu Âu bởi trước đây loài này có rất nhiều tại các con sông, dòng suối và hồ trên lục địa. Tại các hội chợ Hà Lan, lươn xông khói vẫn phổ biến trong khi tại Đan Mạch nó thường được kết hợp với trứng bác. Người dân Italy đôi khi đón Giáng sinh với lươn chiên còn tại Tây Ban Nha, lươn "bao tử" được chiên với dầu olive, tỏi và ớt có giá lên đến hơn 1.000 euro/kg.
Khoảng 5.500 tấn lươn được nuôi khắp châu Âu hàng năm để đáp ứng nhu cầu của thị trường này. Bên cạnh đó là 1.000 tấn được bắt trong tự nhiên mỗi năm. Nhưng bà Margreet van Vilsteren, người thành lập tổ chức Good Fish (Hà Lan) cho biết nhiều nơi nuôi lươn phụ thuộc hoàn toàn vào việc bắt lươn bé trong tự nhiên.
Các nhà khoa học đã kêu gọi châu Âu ban hành lệnh cấm bắt lươn bé nhưng nhiều chính trị gia vẫn tiếp tục cho phép bắt một số lượng nhỏ lươn bé mỗi năm.
Bà Van Vilsteren cũng đề cập rằng việc đánh bắt chỉ là một trong nhiều yếu tố khiến số lượng lươn tại châu Âu sụt giảm mạnh. Nhiều đập, nhà máy thủy điện đã ảnh hưởng đến môi trường sống của loài lươn, bên cạnh đó còn có tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm, ký sinh trùng. Theo bà, hy vọng tốt nhất và nhanh nhất cho sự phục hồi của số lượng loài lươn châu Âu là chấm dứt việc đánh bắt.
Ngoài ra, sau khi lệnh cấm buôn bán lươn châu Âu ra khỏi châu lục này có hiệu lực từ năm 2010, ước tính mỗi năm có đến 100 tấn lươn bé bị buôn lậu ra khỏi châu Âu. Trong chiến dịch ngăn chặn buôn lậu lươn được thực hiện từ tháng 11/2021 đến tháng 6/2022 tại châu Âu, đã có 49 người bị bắt và tịch thu được 1.255 kg lươn thuỷ tinh (một loại lươn trong suốt) trị giá khoảng 1,9 triệu euro.
Ông Clavero Pineda nhận định: “Càng ít lươn, giá càng cao”. Ông bổ sung: “Chúng ta có thể cấm bắt lươn và hy vọng sẽ có thời điểm loài lươn lại xuất hiện nhiều”.