Số phận hẩm hiu sớm được định đoạt
Ngày 8/3, Silvergate Capital, một ngân hàng tiền ảo với 11 tỷ USD tài sản, tuyên bố đóng cửa bằng cách chấm dứt hoạt động và thanh lý tài sản. Bốn hôm sau, việc tương tự xảy ra với Signature Bank, một ngân hàng quen thuộc với giới tiền số có tài sản lên tới 114 tỷ USD. Tuy nhiên, tâm điểm lại nằm ở Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) với tài sản trị giá khoảng 212 tỷ USD. Ngày 10/3, Công ty Bảo hiểm Liên bang Mỹ (FDIC) thông báo đóng cửa và tịch thu tài sản của SVB, chính thức đánh dấu vụ phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Trên thực tế, số phận của SVB đã được định sẵn gần 2 năm về trước khi thị trường chứng khoán bùng nổ, lãi suất gần bằng 0, các startup công nghệ phát triển. “Cơn mưa tiền gửi” từ các công ty khởi nghiệp đổ xuống, khiến tiền gửi tại SVB tăng vọt từ 102 tỷ USD lên 189 tỷ USD và ngân hàng này rơi vào tình trạng “thừa thanh khoản”. Nhằm kiếm lợi nhuận SVB ráo riết đầu tư vào trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán được chính phủ hậu thuẫn với tổng trị giá khoảng 120 tỷ USD. Trong số đó có khoảng 91 tỷ USD là trái phiếu có thế chấp với lãi suất cố định - bình quân chỉ 1,64%. Khoản đầu tư này bị “khoá chặt” bởi kỳ hạn, có loại lên tới 10 năm.
Năm 2022, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Từ tháng 3/2022 tới nay, Fed đã 8 lần tăng lãi suất, đưa lãi suất cơ bản dao động trong khoảng 4,5 – 4,75%, là mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Việc Fed tăng lãi suất nhanh và mạnh khiến khoản đầu tư trái phiếu của SVB lỗ nặng. Trước tình hình đó, như thông báo của SVB ngày 8/3, ngân hàng phải bán lỗ một lượng lớn trái phiếu để đáp ứng nhu cầu rút tiền và tài trợ các khoản vay mới. Tuy nhiên, cách giải thích tồi tệ này đã khiến khách hàng lo lắng rằng SVB đang gặp rắc rối.
Các nhà đầu tư mạo hiểm đã hoảng sợ và yêu cầu các công ty khởi nghiệp trong danh mục đầu tư của họ rút bất kỳ khoản tiền nào họ có tại SVB. Những khách hàng khác thấy vậy cũng hoảng sợ để rồi tất cả cùng đổ xô rút tiền từ SVB. Trong ngày 9/3 có tổng cộng 42 tỷ USD được rút khỏi SVB, tương đương 1/5 tài sản của ngân hàng này và đương nhiên, với một áp lực như vậy, SVB rơi vào tình trạng cạn tiền. Theo quy định của Mỹ, SVB phá sản và bị FDIC tiếp quản.
SVB là Lehman Brothers 2.0?
Hai ngày sau khi SVB sụp đổ đến lượt ngân hàng Signature phá sản, làm dấy lên lo ngại về phản ứng dây chuyền. Nhưng phải thấy rằng SVB sụp đổ chóng vánh (trong chưa đầy 48 giờ) và chính phủ Mỹ cũng hành động nhanh không kém. Ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ, Fed và FDIC đã phát thông cáo chung nhấn mạnh rằng người gửi tiền tại SVB có quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ và người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến việc giải quyết (hậu quả) của SVB. Hôm sau, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “Tiền gửi của quý vị có sẵn khi quý vị cần”. Đây được coi là những trấn an quan trọng giúp ngăn chặn hoang mang lan rộng, mang tới khoảng đệm thời gian để xử lý vấn đề, tạo ra sự khác biệt so với sự kiện Lehman Brothers.
Trở lại năm 2008, ngân hàng Lehman Brothers nộp đơn phá sản vào ngày 15/9, trở thành vụ phá sản tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái kinh tế vào thập niên 1930. Trước đó, một số ngân hàng cũng phá sản và Fed đã cứu Bear Stearns bằng cách cung cấp gần 30 tỷ USD cho JP Morgan để mua Bear Stearns; cứu Freddie Mac và Fannie Mae bằng cách tiếp quản trực tiếp; cứu AIG bằng việc tung ra 85 tỷ USD để mua 80% cổ phần. Tuy nhiên, Fed đã không làm như vậy đối với Lehman Brothers, để sau này, khi đề cập tới khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, cái tên Lehman Brothers thường được nhắc đến như một căn nguyên.
Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận một cách lý tính rằng già nửa tài sản của SVB được đầu tư vào trái phiếu kho bạc và các loại chứng khoán được chính phủ hậu thuẫn. Dù có điểm chung của sự sụp đổ của SVB và Lehman Brothers là đều xảy ra trong khoảng thời gian Fed tăng lãi suất để chống lạm phát, nhưng phải thấy rằng tài sản của SVB là tài sản an toàn. Còn trước đây, Lehman Brothers phần lớn đầu tư vào chứng khoán thế chấp bằng bất động sản – MBS, hơn nữa lại sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính, cao nhất là hồi đầu năm 2007 lên tới 31 : 1. Khi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn bùng nổ, nhu cầu đối với MBS giảm mạnh thì khoản đầu tư của Lehman Brothers vào MBS trở thành tài sản độc hại trên bảng cân đối kế toán, cộng thêm áp lực từ đòn bẩy tài chính, khiến Lehman Brothers sụp đổ. Đối chiếu 2 sự kiện có thể thấy sự đổ vỡ của SVB sẽ không gây ra bất cứ điều gì giống như sự sụp đổ của Lehman Brothers trước đây. Đó là chưa nói tới SVB đứng thứ 16 ở Mỹ, tổng tài sản chỉ chiếm khoảng 1% toàn hệ thống, thấp và nhỏ hơn nhiều so với Lehman Brothers (đứng thứ 4 với tài sản lên tới gần 640 tỷ USD).
Lựa chọn mới của người gửi tiền
Dư âm của vụ phá sản ở Lehman Brothers đã gây ra những làn sóng bán tháo bất tận đối với hầu hết các loại tài sản trên khắp thế giới. Sau này, Ủy ban điều tra của Mỹ kết luận: "Cuộc khủng hoảng tài chính đạt đến mức độ kinh hoàng với sự sụp đổ của Lehman Brothers". Nhưng sau sự kiện SVB, vào ngày 14/3, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục. Theo chiến lược gia Adam Turnquist tại LPL Financial, sự hồi phục này đến từ việc giải toả tâm lý. Các nhà đầu tư ngày càng tin rằng một số ngân hàng khác sẽ không rơi vào tình cảnh giống SVB và Signature.
Dẫu vậy, sự kiện SVB cũng gây ra tác động nhất định và việc này có thể nhìn thấy từ sự “di cư” của dòng tiền. Vào ngày 10/3, tờ New York Post đưa tin rằng các nhân viên ngân hàng JPMorgan đang làm việc ngày đêm để giúp khách hàng hiện tại chuyển tiền hoặc mở tài khoản mới cho khách. Tất nhiên, muốn đến một nơi an toàn hơn, người gửi tiền cũng phải trả một mức giá tương xứng. Ví dụ, lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn thường thấp hơn. Các chi phí dịch vụ cũng có thể tăng lên. Dẫu vậy, trong một phát biểu được tờ Bussines Insider ngày 13/3 trích dẫn, Giáo sư Flannery của Đại học Florida cho rằng các ngân hàng lớn đang trong trạng thái rất tốt. Do đó, việc di chuyển các khoản tiền gửi có thể là một quyết định đúng đắn.