SVB phá sản có ít nhất bốn tác động chính
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, SVB phá sản gây ra một số tác động như: Với người gửi tiền của SVB, những khách hàng có bảo hiểm tiền gửi, sẽ sớm nhận bồi thường tối đa 250.000 USD từ ngày 13/3; những khoản không có bảo hiểm tiền gửi sẽ phải chờ FDIC là Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang của Hoa Kỳ bán tài sản và trả lại sau (một dự báo cho biết, khả năng cao sẽ lấy lại được khoảng 80 - 85%).
“Tuy nhiên, nhiều khách hàng là công ty công nghệ sẽ không có tiền trả lương nhân viên trong khi chờ đợi, đây là điều mà các cơ quan chức năng Mỹ đang tính đến khả năng "giải cứu" bằng cách hỗ trợ số tiền lương này. Bên cạnh đó là khó khăn về dòng tiền, sa thải nhân viên trong ngắn và trung hạn sẽ sớm xảy ra... Đây là những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Mỹ năm 2023”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết.
Với thị trường tài chính Mỹ, việc đóng cửa SVB có thể sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính khi đã được can thiệp sớm từ FDIC và do SVB là ngân hàng đặc thù, với nhóm khách hàng ngách, hoạt động chủ yếu trong nước Mỹ (ngoài một vài chi nhánh tại Anh, Đức, Đan Mạch, Israel...). Nhưng một số ngân hàng có quy mô nhỏ, có mô hình hoạt động tương tự đã và đang chịu ảnh hưởng với giá cổ phiếu giảm, khách hàng rút tiền, chất lượng tín dụng có vấn đề hơn... đang là vấn đề mà các cơ quan chức năng của Mỹ quan tâm xử lý. Sự cố này cũng có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất thời gian tới.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Đối với thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, sự việc này sẽ có tác động nhưng không nhiều, chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang giảm nhẹ, còn biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc huy động vốn của các công ty công nghệ, khởi nghiệp (startups) toàn cầu sẽ khó khăn hơn và bị đánh giá rủi ro hơn, nên có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn.
Theo Giám đốc phân tích Khối khách hàng Cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Nguyễn Thế Minh, cú sụp đổ của SVB và làn sóng bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ đã phơi bày những rủi ro lâu dài của một chiến lược mà nhiều tổ chức tài chính sử dụng để tăng lợi nhuận khi lãi suất thấp. Đó là: Lấy tiền gửi của khách hàng (nguồn tiền gửi ngắn hạn) để đầu tư vào những tài sản dài hạn (trái phiếu), vì xu hướng đầu tư trái phiếu của các ngân hàng ở Mỹ rất nhiều. Sau vụ SVB đã có ít nhất gần 10 nhà băng tại Mỹ đang chứng kiến tình trạng rút tiền của nhà đầu tư.
“Silicon Valley Bank phá sản xảy ra vào thời kỳ Mỹ đang chống lạm phát và xuất phát từ lý do nắm giữ nhiều trái phiếu. Ở thời điểm mua, Silicon Valley Bank đã phải trả giá cao cho những lô trái phiếu. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 7 lần trong năm 2022 và tăng 1 lần cách đây không lâu trong năm 2023. Lãi suất qua đêm hiện tại ở mức 4,5 - 4,7%. Chính vì lãi suất tăng, giá trái phiếu bị đẩy xuống. Lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm và ngược lại. Trong khi đó, Silicon Valley Bank giữ lượng trái phiếu rất lớn. Khi khách hàng của họ cần tiền, ngân hàng này buộc phải bán trái phiếu ra với mức giá rẻ để có tiền giải ngân cho khách hàng. Điều này khiến Silicon Valley Bank thua lỗ, rơi vào tình trạng mất thanh toán, dẫn tới khủng hoảng”, TS, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Tầm quan trọng của việc giám sát tài chính
Theo một số chuyên gia kinh tế, sự kiện SVB phá sản nếu có ảnh hưởng đến Việt Nam thì chỉ dừng ở mức ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. “Việt Nam không có ngân hàng cũng như doanh nghiệp niêm yết nào có mối quan hệ làm ăn kinh doanh với ngân hàng này, nên tác động gần như là không có. Nếu có, thì chỉ là những ảnh hưởng về mặt tâm lý với nhà đầu tư”, ông Đỗ Bảo Ngọc, nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock cho biết.
"Sự cố SVB có thể gây ảnh hưởng về tâm lý cho người gửi tiền, nhà đầu tư... khiến họ trở nên thận trọng hơn, đa dạng hóa hơn, điều này cũng có điểm tích cực là thị trường trở nên an toàn, lành mạnh hơn và bớt bong bóng hơn. Mặc dù vậy, tác động như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào quyết sách, hành động và giải pháp của của giới chức Mỹ thời gian tới", chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích thêm.
Nhiều ý kiến cho rằng: SVB có thể không liên quan trực tiếp đến ngân hàng Việt Nam, nhưng những bài học về quản trị rủi ro trong ngân hàng là điều đáng lưu ý. Các ngân hàng ở Việt Nam hiện cũng gặp tình trạng tương tự khi vẫn huy động vốn ngắn hạn để mua trái phiếu.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 14/3, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết: “Việc sụp đổ 2 ngân hàng của Mỹ là cú đòn tương đối choáng váng đối với kinh tế Mỹ. Trong phiên giao dịch ngày 13/3, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số Dow Jones và dẫn đầu là sự trượt dốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau vụ đổ vỡ của nhà băng SVB vào cuối tuần vừa rồi. Ngân hàng cũng là cái tên bị bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên đầu tuần và tâm lý lo sợ rủi ro bao trùm khiến giá dầu giảm hơn 2%. Ngân hàng Mỹ phá sản khiến giá USD đồng loạt lao dốc. Giá USD hôm nay trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm với chỉ số USD-Index rớt 0,42 điểm, xuống 103,75 điểm”.
Tuy nhiên, tình trạng phá sản của 2 ngân hàng Mỹ) không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính hay bất động sản Việt Nam. Sự kiện này chỉ tác động đến thị trường chứng khoán và trái phiếu ở Mỹ nhưng cũng không có ảnh hưởng mang tính lan tỏa. Bài học rút ra cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là quản trị rủi ro, công khai minh bạch trong hoạt động ngân hàng để đề cao hơn nữa, từ đó xem xét việc quản trị ngân hàng và tính thanh khoản của ngân hàng.
“Tôi cho rằng, các ngân hàng cần tính toán cân đối khoản cho vay, không tập trung quá nhiều vào nhóm rủi ro cao, như start up hay doanh nghiệp bất động sản”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo TS Cấn Văn Lực, từ vụ sụp đổ của 2 ngân hàng Mỹ, các tổ chức tài chính, ngân hàng Việt Nam cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Quản lý các loại rủi ro chính và phát triển bền vững. Thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh, vì vậy minh bạch, kỷ luật thị trường cùng với nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ tài chính, và hiệu quả truyền thông là rất quan trọng. Dù tính thị trường ở đây là cao, vai trò, năng lực và hiệu quả của các cơ quan giám sát cũng quan trọng không kém. Với trường hợp SVB, rõ ràng, cơ quan giám sát ngân hàng của bang này chưa có những cảnh báo kịp thời.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng: Mỗi quốc gia cần có một màng lưới an toàn tài chính, trong đó cần quan tâm đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và nền kinh tế thực, cần có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, bài bản, hiệu quả, trong đó các cơ quan thanh tra - giám sát cần độc lập hơn, vai trò bảo hiểm tiền gửi cũng cần rõ nét hơn.