Trong phiên giao dịch trên sàn COMEX (Mỹ) hôm 4/12, giá vàng có thời điểm tăng lên mức cao nhất mọi thời đại 2.135,39 USD/ounce. Việc chốt lời sau đó khiến giá giao dịch kim loại quý này đạt mức 2.069,01 USD/ounce.
Các nhà phân tích cho biết giá vàng đang trên đà đạt mức cao mới vào năm 2024 và có thể duy trì trên 2.000 USD/ounce, do bất ổn địa chính trị, nguy cơ đồng USD yếu đi và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Giá vàng đã tăng trong hai tháng liên tiếp khi xung đột Israel-Hamas thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, bên cạnh đó là dự đoán Fed sẽ chuyển sang nới lỏng tiền tệ vào đầu năm 2024. Vàng có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị do vai trò là tài sản trú ẩn đáng tin cậy.
Ông Heng Koon How, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường, kinh tế toàn cầu và nghiên cứu thị trường tại ngân hàng UOB (Singapore) đánh giá với CNBC rằng vàng có thể lên tới 2.200 USD/ounce vào cuối năm 2024.
Một nhà phân tích khác cũng lạc quan tương tự về triển vọng của vàng là ông Nicky Shiels tại công ty MKS PAMP (Australia). Ông Shiels dự đoán vàng có thể vượt qua mức 2.100 USD/ounce và cán mốc 2.200 USD/ounce.
Ông Bart Melek tại ngân hàng TD Securities (Canada) dự đoán giá vàng sẽ đạt trung bình 2.100 USD/ounce trong quý 2/2024, với hoạt động mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương đóng vai trò là chất xúc tác chính thúc đẩy giá.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới, 24% ngân hàng trung ương có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới, do họ ngày càng bi quan về đồng USD với vai trò tài sản dự trữ. Ông Melek lập luận: “Điều này có nghĩa là nhu cầu có thể cao hơn từ khu vực chính thức trong những năm tới”. Ông bổ sung rằng khả năng xoay trục chính sách của Fed vào năm 2024 cũng có thể tác động.
Lãi suất thấp hơn có xu hướng làm suy yếu đồng USD và điều này khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua quốc tế, từ đó thúc đẩy nhu cầu. Fed bắt đầu đợt tăng lãi suất đều đặn vào tháng 3/2022 khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Lãi suất cao hơn làm ảnh hưởng đến nhu cầu về vàng bởi các tài sản như trái phiếu trở nên sinh lợi hơn do lợi suất cao hơn.
BMI, một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions, gần đây nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng các yếu tố chính thúc đẩy vàng vào năm 2024 sẽ là việc Fed cắt giảm lãi suất, đồng USD yếu hơn và mức độ căng thẳng địa chính trị gia tăng”.
Vào ngày 29/11, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết ông đã hình dung ra chính sách nới lỏng nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục được cải thiện trong vòng 3 đến 5 tháng tới, khiến các nhà phân tích dự báo giá vàng sẽ tăng vọt.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước cho biết lãi suất chính sách của Fed “nằm trong phạm vi giới hạn”.